Đề án dạy và học ngoại ngữ: “Máy cái” cũng gặp khó

09:19, 27/10/2011

Trình độ năng lực của đội ngũ giáo viên (GV) còn quá hạn chế là một trong những rào cản lớn nhất trong việc thực hiện đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020".

Hầu hết các địa phương đều nhận thức rằng đây là thách thức lớn, cần sớm vượt qua để đạt mục tiêu biến ngoại ngữ từ một điểm yếu thành thế mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc hội nhập và phát triển như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Nhưng vượt qua bằng cách nào thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn, một thách thức không nhỏ với ngành GD-ĐT.

 

Ngoại ngữ trình độ lớp 12 dạy HS tiểu học

 

Thực tế cho thấy đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân" triển khai tại địa phương thời gian vừa qua đã bộc lộ không ít những bất cập về trình độ đội ngũ. Năm học 2010-2011, năm đầu tiên thí điểm dạy ngoại ngữ ở lớp 3, ngành GD đã buộc phải chấp nhận thực trạng không ít GV đứng lớp không đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm. Kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT cho thấy, có khoảng 100 GV trong số gần 150 GV tham gia dạy thí điểm ở tiểu học đạt yêu cầu. Ngay ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… thì trình độ GV ngoại ngữ vẫn là một điểm yếu trong việc triển khai thí điểm.

 

Căn nguyên của thực trạng này là do đội ngũ GV ngoại ngữ được tuyển dụng từ nhiều nguồn, nhiều người có trình độ đào tạo ĐH nhưng lại không đạt yêu cầu về năng lực sư phạm và trình độ chuyên môn để dạy ngoại ngữ cho phù hợp với độ tuổi HS từng cấp học. Bộ GD-ĐT quy định GV dạy ngoại ngữ ở tiểu học phải đạt trình độ B2 (tương đương với chứng chỉ IELTS 6.0) của khung đánh giá trình độ ngôn ngữ cộng đồng chung châu Âu. Song thực tế triển khai thí điểm đến năm học thứ hai, hầu hết GV ngoại ngữ ở các địa phương mới chỉ dừng lại ở trình độ B1 (IELTS đạt trong khoảng 4.0 đến 4.5) - tức là chỉ bằng mức yêu cầu đầu ra đối với HS lớp 12 trong mục tiêu đề án.

 

Đánh giá về kết quả dạy học môn ngoại ngữ, không ít ý kiến cho rằng môn học này luôn có chất lượng khiêm tốn, hiệu quả thấp. HS học tiếng Anh ở trường nhiều năm nhưng vẫn không nắm được vốn kiến thức ngôn ngữ cơ bản và hầu như không sử dụng được tiếng Anh trong những tình huống giao tiếp thông thường. Không ít HS giỏi nhưng trình độ ngoại ngữ kém nên đành lỗi hẹn với nhiều học bổng nước ngoài, nhiều chương trình đào tạo quốc tế. Lỗi này chủ yếu do trình độ năng lực ngoại ngữ, phương pháp dạy học của GV còn nhiều hạn chế. Việc dạy - học ở nhiều nơi mới là hình thức, chủ yếu dạy - học để đi thi chứ chưa phải để trang bị phương tiện học tập, làm việc.

 

"Máy cái" gặp khó

 

Thiếu cơ chế khích lệ GV nên các địa phương đều trong tình trạng thiếu GV và khó thu hút GV giỏi. Để không ảnh hưởng tới tiến độ triển khai đề án, đầu năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT đã lại nới tay cho phép các địa phương triển khai thí điểm được tiếp tục sử dụng GV trình độ B1. Thời hạn đặt ra với các GV này là phải đạt trình độ B2 vào cuối năm học này. Liệu các địa phương có đạt được yêu cầu theo đúng mốc thời gian mà Bộ GD-ĐT đặt ra?

 

Là một trong những trường có tiếng trên cả nước về đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ nhưng khi tham gia đề án, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Đào tạo đại cương của Trường ĐH Hà Nội cho biết, trường gặp nhiều khó khăn, từ việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị đến cả đội ngũ giảng viên. Ông thẳng thắn thừa nhận: Trong hoàn cảnh cạnh tranh của nền kinh tế thị trường như hiện nay, hiện tượng "chảy máu chất xám" tại các trường ĐH đã khá phổ biến và ngày càng rõ nét, đặc biệt là với đội ngũ giảng viên vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi ngoại ngữ.

 

Do đặc thù công việc, việc soạn bài, giảng dạy của nhóm giảng viên này thường mất nhiều thời gian, công sức trong khi thù lao theo giờ giảng không cao, do học phí không thể tăng hơn mức quy định. Trong khi đó, cám dỗ của thị trường quá lớn. Ông dẫn chứng, một giảng viên dạy kế toán bằng tiếng Anh có thể dễ dàng có mức thu nhập 2.000 USD/tháng khi làm cho các công ty kiểm toán nước ngoài, nhưng nếu dạy ở trường thì mức lương chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Theo ông Dũng, để bảo đảm hiệu quả, chất lượng trong công tác bồi dưỡng GV dạy ngoại ngữ ở phổ thông, cần có chính sách khuyến khích như tăng kinh phí trả cho giờ dạy, có các quyền lợi đi kèm như ưu tiên các vị trí thăng tiến, cử đi đào tạo nước ngoài ngắn hạn... đối với giảng viên ĐH tham gia chương trình này.

 

Còn PGS-TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên thì trăn trở về việc cần chuẩn hóa đội ngũ giảng viên tiếng Anh trong các trường ĐH trước khi tiến hành triển khai đào tạo, bồi dưỡng cho GV ngoại ngữ ở phổ thông. Theo yêu cầu của đề án, giảng viên chuyên ngành cần có trình độ tiếng Anh theo chuẩn để từng bước tham gia giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh. Thế nhưng trên thực tế, giảng viên chuyên ngành thường không thông thạo ngoại ngữ, còn giảng viên ngoại ngữ lại chẳng rành kiến thức chuyên ngành.

 

Có 8 trường ĐH và cơ sở đào tạo đang được Bộ GD-ĐT tạm thời giao nhiệm vụ rà soát năng lực ngoại ngữ của GV tiếng Anh tại các địa phương, làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng GV theo đúng chuẩn. Và theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực ngoại ngữ, kỹ năng sư phạm cho GV có vai trò quyết định nhất đến sự thành công của đề án. Nhưng chuẩn nào cho GV dạy tiếng Anh tại các địa phương để đạt hiệu quả thực chất như mục tiêu của đề án thì vẫn còn là một nỗi lo lớn khi "máy cái" - nơi đảm nhận nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng GV dạy tiếng Anh còn nhiều khó khăn đến thế.