Năm học 2011-2012, sinh viên (SV) các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thái Nguyên được vào ở trong ký túc xá (KTX) không còn là chuyện khó như nhiều năm trước đây...
Đặc biệt năm học này, hầu hết các trường đều dành ưu tiên chỗ ở trong KTX cho SV khóa mới. Chính vì thế, các tân SV không phải lo lắng nhiều về chỗ ở, hoặc vì bỡ ngỡ nên bị chủ nhà trọ bắt chẹt, ép giá thuê phòng. Thầy Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Ban Công tác HSSV (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Cùng với hệ thống nhà ở KTX trước đây, Đại học Thái Nguyên có 23 công trình nhà ở KTX mới được xây dựng hoàn thiện và đồng loạt đưa vào sử dụng từ năm 2010 đến nay, với tổng số 2.189 phòng ở, đáp ứng được hơn 17.000 chỗ ở cho SV.
Tại hành lang nhà KTX Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Liêm (Bắc Giang) tay mang, tay xách đồ đưa con về nhận phòng ở trong KTX. Ông cho biết: Con trai tôi là Nguyễn Văn Hòa, theo học Khoa Quản trị Kinh doanh. Hòa đỗ nguyện vọng 2 nên nhập học muộn, may Nhà trường còn có chỗ ở trong KTX, không thì tôi cũng chưa biết đi đâu tìm cho cháu chỗ ở. Vào phòng 109, nhà K1, trò chuyện với các SV Ma Văn Vũ, K7, Khoa Quản lý Đất đai và Nguyễn Hải Dương, K6, Khoa Kỹ thuật Công nghiệp, các em cho biết: Phòng ở có 8 SV, giá phòng 85.000 đồng/người/tháng.
Sang KTX Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính, 8 SV ở phòng 103, nhà K5 đã vui vẻ mời chúng tôi vào thăm. Dương Kim Phượng, Khoa Kế toán, được các bạn cùng phòng giới thiệu là "ma ma tổng quản" (phụ trách phòng). Phượng cho biết: Được ở trong KTX dù sao chúng em cũng yên tâm hơn về an ninh trật tự. Còn SV Bùi Thị Thu Thảo, Khoa Kinh tế doanh nghiệp, cho biết thêm: Tuy KTX chưa có đường truyền Internet, nhưng có đủ điện thắp sáng, quạt mát, điều kiện sinh hoạt khá thuận lợi...
Dạo một lượt qua khu KTX của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn chúng tôi nhận thấy hầu hết các phòng ở dành cho SV đều được xây dựng khép kín, bên trong mỗi phòng được bố trí 4 giường tầng cho 8 SV ở, cuối mỗi giường lắp đặt tủ đựng tư trang cá nhân, đầu giường được lắp thêm 1 bàn học, thuận lợi cho việc sinh hoạt, học tập của cá nhân và các hoạt động tập thể nhỏ của SV ở từng phòng. Bà Hoàng Thị Minh (Hải Dương), đến thăm con gái là Nguyễn Thị Bảo Hương ở KTX Trường Đại học Khoa học, đã nói với chúng tôi: Có con gái đi học xa nhà, cháu được ở trong KTX, gia đình tôi cũng thấy yên tâm hơn...
Về chuyện chỗ ở cho SV, thầy Hoàng Việt Ngọc, Trưởng phòng Quản lý HSSV Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên kể lại: Có lần tôi nhận được tin nhắn lúc 1 giờ sáng: "Thầy ơi, cứu em"... Các học trò của tôi đang bị mấy chủ nhà trọ khống chế, không cho chuyển chỗ ở, kể cả khi SV phải chấp nhận bỏ tiền đã trả trước. Tôi phải nhờ Công an phường vào can thiệp mới giải cứu được cho các em. Hiện với các chủ nhà trọ có thái độ thiếu đứng đắn này, chúng tôi đã thông báo cho toàn thể HSSV trong Trường biết... Qua trao đổi với thầy Ngọc, chúng tôi còn được biết thêm: Hiện, Nhà trường có 3 nhà KTX 5 tầng và 1 nhà KTX cấp 4 được tận dụng lại phòng làm việc cũ của Bệnh viện Tâm thần trước đây. Đã có 1.247 SV của Trường vào ở nội trú, với giá phòng 100.000 đồng/người/tháng (đối với phòng ở khép kín tại nhà KTX 5 tầng) và 70.000 đồng/người/tháng (đối với phòng ở tại khu nhà cấp 4). KTX của Trường hiện còn gần 800 chỗ ở dành cho học sinh hệ trung cấp đang làm các thủ tục nhập học.
Năm nay, nhờ các trường có cách đón tiếp SV vào ở trong KTX linh hoạt, nên phần lớn các tân SV đều có cơ hội tiếp cận và đăng ký vào ở nội trú khi có nhu cầu. Tuy nhiên, cũng còn có hiện tượng một số trường khiên cưỡng, gần như ép tân SV vào ở trong KTX, như việc yêu cầu SV phải có hộ khẩu thường trú tại T.P Thái Nguyên mới được ở ngoại trú. Hoặc với SV có hộ khẩu thường trú ngoài địa bàn T.P Thái Nguyên thì phải có giấy xác nhận của gia đình người thân trong thành phố mới được ra ngoài ở... Bên cạnh đó còn có tình trạng khi Ban Quản lý KTX Trường Đại học Nông lâm vừa đón tiếp tân SV vào ở nội trú thì ngay từ những ngày vào ở đầu tiên, KTX bị mất điện, mất nước. 3 ngày nóng liên tục, SV nội trú của Trường phải sống cảnh dở cười, dở mếu. Sau đó sự cố này đã được khắc phục.
Ngoài ra còn một số khó khăn, bất cập khác, như : Vì lý do công trình mới được xây dựng hoàn thiện, một số hạng mục liên quan như đường vào KTX, tường rào bảo vệ bao quanh của một số khu nhà ở nội trú SV chưa được quan tâm đầu tư, nên mỗi khi trời mưa, trên đoạn đường từ KTX SV đến giảng đường của Trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh và Trường Đại học Khoa học, SV phải lội qua bùn đất để đến trường. Còn ở KTX Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, chúng tôi thấy tại nhiều phòng ở, khu nhà vệ sinh đã bị xuống cấp. Đối với Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Đức hiện đang có nhiều phòng ở trong KTX trống vắng. Thầy Nguyễn Sĩ Tùng, Trưởng Phòng Công tác HSSV của Trường cho biết: Trường có 230 phòng ở KTX dành cho HSSV, nhưng tính đến ngày 28-9 mới có 130 phòng có HSSV vào ở. Vì KTX của Trường chưa có tường rào bao quanh bảo vệ, đường vào lầy lội, hệ thống cống thoát nước chưa xây dựng xong và chưa có căng tin, nhà ăn, sân chơi nên HSSV không muốn vào ở trong KTX...
Thiết nghĩ, về những khó khăn, bất cập trên đây, các trường cần sớm khắc phục, sửa chữa. Như thế, SV mới yên tâm vào ở trong KTX, việc học hành, sinh hoạt của các em được an toàn, thuận tiện và đạt hiệu quả cao hơn.