Không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục, việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đang là vấn đề bức thiết, là mối quan tâm của toàn xã hội. Tuần qua, nhiều nhà giáo dục, nhà khoa học tâm huyết đã có một cuộc tọa đàm để cùng nhìn nhận sâu hơn về thực trạng cũng như những điểm cốt yếu cần đổi mới.
Đòi hỏi cấp bách
Dù xác định vấn đề là "cải cách giáo dục" hay "đổi mới cơ bản, toàn diện", các chuyên gia cũng đều thống nhất ở quan điểm: hệ thống giáo dục đang đứng trước nhu cầu cấp bách phải có những chuyển biến lớn lao và sâu sắc.
Từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, tình thế rất bức thiết, phải khẩn trương nhưng cũng phải đi từ gốc rễ, bài bản, riêng một mình ngành giáo dục không thể làm nổi. Theo bà Nguyễn Thị Bình, câu hỏi cần đặt ra trước tiên là: Liệu sứ mạng và mục tiêu giáo dục của chúng ta bây giờ có khác trước không, sẽ là gì trong vòng 10, 15 năm tới? Bên cạnh sự tiếp thu, kế thừa những giá trị đã có, vẫn cần nghiên cứu, bổ sung để có một xác định phù hợp với hoàn cảnh, yêu cầu mới. Như vậy mới có căn cứ để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục cho thập kỷ tới. Đối chiếu với thực trạng giáo dục của nước nhà và những yêu cầu mà đất nước và dân tộc kỳ vọng ở hệ thống giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: Điều cốt lõi rất cần phải nhấn mạnh lúc này là dạy và học làm người, chứ không thể lấy thi cử và bằng cấp làm chính.
Trong quá trình đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện, theo PGS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cần phải đặt lên hàng đầu đổi mới tư duy - nhận thức - triết lý giáo dục, đổi mới quan điểm và mục tiêu giáo dục, vì đây là những vấn đề có tính "mở đường", "định hướng". Nếu không làm rõ những điều này mà lại bắt tay vào thực hiện ngay những vấn đề cụ thể khi chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, thiếu quan điểm hệ thống, sẽ khó có kết quả tốt đẹp.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng chính vì không xác định được quan điểm cơ bản làm căn cứ và không có giải pháp triệt để nên những đổi mới trong giáo dục trong thời gian qua diễn ra ngập ngừng, không nhất quán, không đồng bộ, không tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Đa số chuyên gia đều đồng tình với những vấn đề cần có giải pháp đột phá để giáo dục có chuyển biến căn bản. Đó là hệ thống giáo dục chưa hợp lý; chương trình, phương pháp giáo dục còn lạc hậu; chính sách đối với nhà giáo có nhiều bất cập; quản lý nhà nước trong giáo dục còn yếu kém... Bên cạnh đó, đổi mới giáo dục không thể tách rời yếu tố gia đình và xã hội.
Những kiến nghị tâm huyết
Từ những vấn đề mang tính khái quát cao, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị tâm huyết liên quan tới những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những "điểm nghẽn" nhất của hệ thống giáo dục.
Theo GS Hoàng Tụy, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, một trong những vấn đề căn cốt mang tầm chiến lược là phải thay đổi cơ bản cách học và thi. Việc học hiện nay chủ yếu diễn ra trên lớp, thầy đọc, trò ghi bám sát sách giáo khoa, khó làm cho người học phát huy đầu óc sáng tạo và tư duy hành động. GS Hoàng Tụy cho rằng việc thi nên được tiến hành ngay sau khi học xong mỗi phần, mỗi môn hay mỗi cấp học thay vì cứ phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp để hỏi về những chương trình đã học, những nội dung trước đó đã kiểm tra. Việc thi thêm chỉ nên dành cho những ai cần tiếp tục vào ĐH.
GS Hoàng Tụy đề nghị coi cấp THCS là nơi cung cấp văn hóa phổ quát tối thiểu. Ở cấp THPT nên chia theo hai hướng: Phổ thông hướng nghiệp và phổ thông trung học. Theo hướng thứ nhất, học sinh tốt nghiệp ra có nghề nhưng vẫn đạt trình độ văn hóa phổ quát đủ để sau này tiếp tục học nếu có điều kiện. Hướng thứ hai, dành cho học sinh có khả năng và điều kiện học tiếp lên CĐ, ĐH nhưng ở các trường này, không nên dạy kiểu đồng loạt như hiện nay mà nên chú trọng năng khiếu, sở trường, sở thích của mỗi người học, để sau khi tốt nghiệp các em sẽ chọn được một, hai ngành phù hợp. Cùng với thay đổi về hệ thống giáo dục, GS Hoàng Tụy còn nhấn mạnh tới chất lượng công tác đào tạo, mà giải pháp là không mở rộng quy mô để tập trung nâng cao chất lượng.
Quan điểm của nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Vũ Ngọc Hải lại tập trung cho công tác quản lý. Theo ông, vấn đề then chốt phải giải quyết là chất lượng quản lý giáo dục với các yêu cầu: đổi từ kiểm soát sang giám sát, lấy chất lượng giáo dục làm then chốt cho khâu vận hành quản lý. Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục.
GS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, từng giữ cương vị Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng nhấn mạnh tới việc đào tạo đội ngũ giáo viên như là yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên chất lượng giáo dục, đào tạo. Ông cho rằng hiện nay chúng ta đang thiếu đánh giá để xác định nên theo mô hình đào tạo nào và đề nghị sớm xây dựng chiến lược phát triển ngành sư phạm, sau đó tiếp tục xây dựng mô hình đào tạo giáo viên. Trước tình trạng học sinh không muốn thi vào sư phạm như hiện nay, các trường sư phạm nên có kế hoạch đào tạo lại giáo viên sau mỗi 3-5 năm để củng cố kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhà giáo, đồng thời cũng nên có cơ chế và mạnh dạn cho ra khỏi ngành những giáo viên không đủ năng lực.
Đổi mới căn bản và toàn diện là thế nào? Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy là việc không dễ nhưng những ý kiến đầy tâm huyết trong cuộc tọa đàm do Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức phần nào đã chạm đến cốt lõi của vấn đề có tính sống còn không chỉ đối với sự nghiệp giáo dục mà còn là đối với sự phát triển của đất nước trong tương lai.