Việc dạy sử và học sử hiện nay còn rất nhiều “vấn đề” - kể cả ở cái nôi đào tạo những giáo viên dạy sử.
“Dư âm” của “cú sốc điểm sử” trong kỳ thi đại học vừa qua chưa lắng, ngày 7- 9 - 2011, không khí tại Hội thảo “Nghiên cứu, giảng dạy lịch sử trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển kỹ năng tự học cho học sinh” lại “nóng” lên với nhiều băn khoăn của những người tâm huyết với lịch sử, với nền giáo dục nước nhà, với việc dạy và học sử hôm nay...
Điều được thừa nhận và nhấn mạnh tại Hội thảo là việc dạy sử và học sử hôm nay còn rất nhiều “vấn đề” - kể cả ở cái nôi đào tạo những giáo viên dạy sử.
Nhìn từ trong hệ thống còn cần nhiều cải cách: giáo trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, các phương tiện tích hợp, cả chính sách phát triển nguồn nhân lực cho nghề dạy sử...
Các nhà khoa học, các nhà giáo dục dự Hội thảo đều khẳng định cần phải có sự tìm tòi, đột phá, dũng cảm trên từng bước đi của những người trong cuộc - nhưng đó mới là điều kiện cần.
Điều kiện đủ là sự đánh giá khách quan và những sự hỗ trợ đủ mạnh từ nhiều phía: Cơ quan hữu trách, đồng thuận xã hội, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài...
Một điểm nhấn tại Hội thảo là “phát triển kỹ năng tự học cho học sinh”, yếu tố quyết định chất lượng học tập của học sinh. Theo PGS, TS Trịnh Đình Tùng (Đại Học Sư phạm Hà Nội) “kỹ năng tự học tốt cũng giúp học sinh “tự giảm tải” để có hiệu suất học tập cao hơn”.
Nhưng muốn học sinh không “chán sử”, không buộc phải học thuộc lòng để “đối phó” mà có thể tự học, tự rút ra những nhận thức lịch sử cho mình và của mình, cần tạo cho các em sự hứng thú với lịch sử và làm cho các em biết cách tự học, biết học từ nhiều nguồn tư liệu chứ không phải chỉ ở sách giáo khoa; sách giáo khoa cũng không nên chỉ có một bộ, viết theo một kiểu... Những điều đó nêu ra yêu cầu cải cách (trước tiên) với các nhà hoạch định chính sách ở cấp vĩ mô, các nhà giáo đào tạo ra những “cỗ máy cái” cho nền giáo dục.
Cũng để tạo hứng thú cho học sinh học sử, việc kết hợp, gắn kết giữa học gián tiếp trên sách với học trực tiếp từ di tích, di sản, trên thực địa... được PGS, TS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện Khảo cổ học) nêu ra với các nhà giáo dục.
Tham khảo, so sánh với phương pháp giáo dục và hệ thống sách giáo khoa ở nhiều nước, PGS, TS Đỗ Hồng Thái (Đại học Thái Nguyên), PGS, TS Trần Thị Vinh (Đại học Sư phạm Hà Nội) nêu bật sự cần thiết của thông tin đa chiều trong việc kích thích cho học sinh “tự giải quyết” việc nhận thức lịch sử của mình đồng thời với việc kiểm tra, đánh giá chất lượng theo hướng “mở”.
Bên cạnh đó, việc “quốc tế hóa” những kết quả nghiên cứu lịch sử của các nhà khoa học Việt Nam để khẳng định vị thế của đất nước, uy tín và chất lượng của nền khoa học Việt Nam cần phải được đẩy mạnh.
Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội.