Phổ cập giáo dục bậc trung học: Các địa phương đều gặp khó

14:08, 27/10/2011

Một trong những khó khăn trong công tác PCGDBTH là tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường THPT chưa cao. Hiện toàn tỉnh có 32 trường THPT…

Tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học (PCGDBTH) là: đơn vị đã và duy trì được chuẩn Quốc gia về PCGD THCS; có 90% trở lên số đơn vị cơ sở được công nhận đạt chuẩn PCGDBTH tại thời điểm kiểm tra; có ít nhất 50% trở lên số trường tiểu học, 40% trở lên số trường THCS đạt chuẩn Quốc gia; mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 2 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia… Tỷ lệ huy động đối tượng phổ cập (PC) (15 đến 18 tuổi) đã có bằng tốt nghiệp THCS vào các loại hình THPT, TTGDTX, THCN và dạy nghề phải đạt 95%. Số thanh thiếu niên từ 18-21 tuổi phải đạt tỷ lệ 75% trở lên có bằng tốt nghiệp THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung học chuyên nghiệp (TTGDTX, THCN) và dạy nghề, trong đó 10% tốt nghiệp đào tạo nghề hệ 3 năm.

 

Mục tiêu chung của công tác PCGDBTH là làm cho hầu hết công dân đến hết tuổi 21 ở các địa phương đã đạt chuẩn Quốc gia PCGDTHCS đều đạt trình độ học vấn trung học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CNH-HĐH đất nước. Để thực hiện được mục tiêu này, Sở GD & ĐT đã xây dựng Đề án PCGDBTH giai đoạn 2005-2015. Mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn vào năm học 2014-2015. Sau gần 7 năm thực hiện Đề án, tiến độ thực hiện ở các địa phương rất chậm.

 

Trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nhâm Quốc Hưng, Chuyên viên Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD & ĐT cho rằng: "Mặc dù các địa phương đều thành lập được Ban chỉ đạo PCGD từ huyện tới xã; xây dựng được đề án hoặc kế hoạch triển khai thực hiện. Song tiến độ PCGDBTH nhìn chung còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện Đề án PCGDBTH, các địa phương gặp nhiều khó khăn từ công tác điều tra cơ bản đến việc vận động học sinh trong độ tuổi ra lớp PC. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh mới có 4 địa phương là T.P Thái Nguyên, Sông Công, Đồng Hỷ, Võ Nhai tổ chức được 11 lớp học bổ túc PCGDTH thu hút được gần 500 học viên tham dự. Thế nhưng, có địa phương như T.X Sông Công dù tổ chức được lớp học bổ túc nhưng không duy trì được.

 

Cụ thể: 2 năm 2006, 2007 địa phương này mở được 5 lớp bổ túc THPT thu hút được 278 học viên tham gia nhưng, số học sinh "teo" dần. Từ đó đến nay, trên địa bàn thị xã cũng không mở thêm được lớp học nào cho đối tượng thuộc diện PC. Trao đổi cùng chúng tôi, lãnh đạo nhiều xã, thị trấn trong tỉnh đều rất băn khoăn và kêu khó khăn trong việc vận động các em ra lớp. Bởi phần lớn những đối tượng thuộc diện vận động quay trở lại lớp đều thuộc hộ nghèo, phải nghỉ học để kiếm sống. Trong đó có không ít em hiện đang đi làm ăn xa nhà. Vì thế, việc vận động họ trở về địa phương là điều không dễ, trong khi đi học họ chỉ được hỗ trợ về giấy, bút; những học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa mới được mượn sách giáo khoa. Mặt khác, khi các em này học hết bổ túc THPT, họ chưa được ưu tiên vào các trường đào tạo nghề.

 

Bên cạnh những học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học mưu sinh, thì cũng có một số em do đua đòi, lêu lổng nên bỏ học. Số này vận động quay lại lớp còn khó khăn hơn nhiều. Sau khi thực hiện Cuộc vận động "Hai không" kỷ luật phòng thi xiết chặt, tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp nhiều, nên nhiều em dù thầy cô, chính quyền địa phương vận động nhưng vẫn không thi lại tốt nghiệp, mà bỏ hẳn..

 

Một trong 12 chỉ tiêu chủ yếu của giai đoạn 2006-2010 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là: "Phấn đấu từng bước phổ cập giáo dục bậc trung học (PCGDBTH), đến năm 2010 toàn tỉnh có 50% số trường đạt chuẩn Quốc gia". Chỉ tiêu nâng số trường đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII là "Phấn đấu đến năm 2015 có 70% số trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó mầm non 65%, tiểu học 100%, THCS 50%, THPT 20%". Đến thời điểm này vẫn chưa có một địa phương nào đạt theo tiến độ đề ra.

 

Tính đến hết tháng 10-2011, toàn tỉnh mới có 35 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDBTH, bằng 19,3% (riêng huyện Đại Từ chưa có đơn vị nào đạt chuẩn PCGDBTH). Theo kế hoạch của tỉnh, từ năm 2006-2010, 7 địa phương phải hoàn thành PCGDBTH. Đầu tiên là T.X Sông Công, rồi đến Phú Bình, T.P Thái Nguyên. Thế nhưng đến thời điểm này T.X Sông Công là đơn vị chỉ đạo điểm của tỉnh về thực hiện phổ cập giáo dục mới có 3/10 xã, phường đạt chuẩn PCGDBTH.


Một trong những khó khăn trong công tác PCGDBTH là tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường THPT chưa cao. Hiện toàn tỉnh có 32 trường THPT. Mới đây tỉnh quyết định thành lập thêm 3 trường THPT là Đội Cấn (Đại Từ), Tức Tranh (Phú Lương) và Đào Xá (Phú Bình), nhưng do kinh phí có hạn nên vẫn chưa được đầu tư xây dựng, vì thế tỷ lệ huy động các em tốt nghiệp THCS vào các trường THPT hạn chế. Năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được vào học tại các trường THPT mới đạt trên 80%. Trong quá trình học tập, không ít học sinh lại bỏ học ngang chừng. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, đầu năm học này, toàn tỉnh có 174 học sinh bỏ học. Mặt khác, số trường đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp học, bậc học cũng không đồng đều: ở bậc tiểu học hiện có 189 trường đạt chuẩn Quốc gia, bằng 84%; THCS chỉ có 63 trường đạt chuẩn Quốc gia, bằng 35%; 5 trường THPT bằng 15,62%. Đây cũng là một tiêu chí khiến nhiều địa phương không hoàn thành PCGDBTH theo thời gian định ra.

 

Sau gần 7 năm thực hiện Đề án PCGDBTH cho thấy tiến độ thực hiện của các địa phương trong tỉnh là rất chậm. 7 huyện, thành, thị được giao hoàn thành PCGDBTH trước năm 2010 đều không thể thực hiện được. Điều đáng nói là tất cả 9 huyện, thành, thị đều đề nghị tỉnh kéo dài thời gian thực hiện PCGDBTH ở đơn vị mình. Ngay như T.X Sông Công cũng đề nghị lui thời điểm này đến năm 2015. Nếu công tác PC vẫn diễn tiến như hiện nay thì đến năm 2015 theo nhận định của chúng tôi cũng chỉ có 1-2 địa phương đạt chuẩn PCGDBTH. Vì thế, bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với các đơn vị trong việc thực hiện PCGDBTH, các địa phương nên xây dựng 1 nghị quyết chuyên đề về PCGDBTH là một chỉ tiêu trong nghị quyết để tập trung đề ra các giải pháp triển khai thực hiện. Coi đây là chỉ tiêu đánh giá thi đua đối với các xã, phường, thị trấn trực thuộc. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh, học sinh nâng cao nhận thức, ủng hộ và cho con em họ đi học.

 

Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục quan tâm dành nguồn kinh phí để xây dựng các trường THPT đã được phê duyệt thành lập. Củng cố cơ sở vật chất, đội ngũ, nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia. Đồng thời tích cực phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào các trường THPT, trung học dạy nghề. Bên cạnh nguồn kinh phí TW cấp để thực hiện công tác PC, tỉnh cũng cần nghiên cứu có cơ chế ưu đãi đối với đội ngũ giáo viên dạy PC và số học sinh huy động ra các lớp bổ túc THPT. Có như vậy, Thái Nguyên mới từng bước hoàn thành công tác PCGDBTH, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm giáo dục của vùng.