Thiếu giáo viên mầm non, tiểu học

11:02, 08/10/2011

Học kỳ I năm học 2011-2012 đã đi được gần nửa chặng đường nhưng đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn thiếu gần 800 giáo viên cấp mầm non và tiểu học. Theo các nhà quản lý, cơ chế "cào bằng" về thu nhập, phụ cấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Gia hạn… vẫn thiếu

 

Năm học 2011-2012, TP Hồ Chí Minh đã phải gia hạn thời gian nhận hồ sơ tuyển giáo viên từ ngày 30-6 sang ngày 10-7-2011. Tuy nhiên, theo Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT), nhiều môn học chỉ tuyển giáo viên có trình độ thạc sỹ trở lên nhưng khối trường tiểu học, mầm non vẫn không tuyển đủ. Cụ thể là đến ngày 4-10, TP vẫn thiếu 223 giáo viên mầm non và 557 giáo viên tiểu học.



Nhiều năm gần đây, TP đã cho phép một số quận, huyện không chỉ tuyển giáo viên có hộ khẩu ở địa phương mà còn mở rộng sang đối tượng KT3. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên mầm non, tiểu học vẫn trở thành "truyền thống" đối với một số địa phương như Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và quận 11. Cụ thể là huyện Bình Chánh thiếu khoảng 80 giáo viên môn nhạc, thể dục… Không ít trường, có những thời điểm BGH cũng phải… đứng lớp vì thiếu giáo viên. Các quận 11 và Bình Tân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự do thiếu hàng chục giáo viên.

 

Trong lúc đã khó tuyển giáo viên mầm non và tiểu học thì các trường lại phải đối mặt với tình trạng giáo viên xin nghỉ việc. Năm học 2010-2011, toàn TP đã có gần 100 giáo viên mầm non và tiểu học xin nghỉ việc. Từ đầu năm học 2011-2012, quận 5 có 8 giáo viên mầm non; quận 1 có 5 giáo viên và bảo mẫu xin nghỉ. Cũng tại quận 5, năm học 2010-2011 toàn quận mới tuyển được 20 giáo viên mầm non, nhưng chỉ sau hơn một tháng đã có 10 cô dời nhiệm sở. Nhiều quận, huyện khác cũng tương tự. Các giáo viên trẻ thường nghỉ việc khi nhận được lời mời từ các trường tư thục với mức lương hấp dẫn hơn.

 

Một cán bộ Trường Mầm non Nguyễn Thái Bình (quận 1) cho biết, nghề giáo viên mầm non, tiểu học "buộc" các cô phải cười với phụ huynh, với con người khác nhưng vì cường độ lao động hầu như cả ngày nên thời gian chăm sóc gia đình eo hẹp, nên nhiều khi các cô không thể cười nổi khi về đến nhà. Vì vậy, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn bám trụ với nghề. Năm nào trường cũng có giáo viên xin nghỉ việc vì thu nhập thấp trong khi áp lực công việc lớn. Nhiều trường hợp nhà trường phải vận dụng chính sách hỗ trợ nhưng giáo viên vẫn nghỉ.

 

Cơ chế bất hợp lý

 

Ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT) cho biết, thực trạng thiếu giáo viên mầm non, tiểu học ở TP diễn ra từ nhiều năm nay. Ngoài câu chuyện muôn thuở là chế độ chính sách bất cập, điều này còn xuất phát từ tâm lý có rất ít người đăng ký thi vào ngành mầm non, tiểu học nên "đầu vào" giáo viên cũng hạn hẹp theo. Mặc dù cũng hiểu thực trạng này nhưng TP "gỡ" không nổi. Ông Sang nêu dẫn chứng: Lương giáo viên tại quận 1, 3 không khác gì khu vực ngoại thành như Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi…, trong khi giá cả sinh hoạt chênh lệch rất lớn. Thậm chí, chế độ phụ cấp dành cho giáo viên cũng được cào bằng. Ví dụ: giáo viên huyện Cần Giờ dạy học gần nhà được phụ cấp 400.000 đồng. Giáo viên có nhà ở quận 1 được phân công dạy tại Cần Giờ cũng chỉ được phụ cấp như trên, trong khi chi phí đi lại, sinh hoạt đắt hơn nhiều lần. "Chủ nghĩa bình quân không tạo động lực cho giáo viên phấn đấu" - ông Sang nhấn mạnh.

 

Để gia tăng lực lượng giáo viên mầm non, vài năm gần đây, TP đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các quận, huyện tuyển dụng người địa phương không thi đỗ vào các trường ĐH và CĐ, gửi đi học liên kết với các trường sư phạm. Hiện các quận 5, 11, 12 và huyện Bình Chánh đã mở các lớp này. Năm học 2011-2012, TP sẽ tổ chức nhiều đợt đưa học sinh lớp 12 đến thăm các trường tiểu học, mầm non để các em có nhận thức đầy đủ hơn về công việc này và có định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Mặc dù vậy, ở thời điểm này không ai dám khẳng định những năm tới TP sẽ không còn tình trạng thiếu giáo viên tiểu học và mầm non.