Chuyện ở một gia đình có công diệt dốt

10:05, 01/11/2011

Hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), chúng tôi đã tìm về xóm Đồng Đình, xã La Hiên (Võ Nhai) thăm gia đình ông Đồng Văn Ngọc, chiến sĩ diệt dốt năm 1958.

Ông được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng tấm ảnh chân dung Bác Hồ, được Ủy ban hành chính tỉnh Thái Nguyên tặng thưởng danh hiệu Ghi công diệt dốt.

 

Từ Quốc lộ 1B, đường vào xóm Đồng Đình qua từng vạt ruộng mới gặt còn thơm mùi rạ. Ở xóm, còn nhiều gia đình gìn giữ được ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc mình. Gia đình ông Ngọc cũng sinh sống trong ngôi nhà sàn 5 gian lợp mái ngói. Trước, sau nhà đều có vườn tược rộng thênh thang gợi cảnh thanh bình. Bà Nguyễn Thị Kiển, vợ ông Ngọc rất phấn khởi khi chúng tôi đến thăm gia đình. Nhất là khi chúng tôi bảo bà là vợ ông giáo "ngày xưa" từng có nhiều thành tích trong "sự nghiệp trồng người", được Bộ Giáo dục - Đào tạo và Ủy ban Hành chính Thái Nguyên khen. Sau giây lát, bà mời chúng tôi ngồi vào chiếc chiếu được trải ở gian chính giữa - vị trí có thể nhìn được ra cánh đồng trước nhà. Bà Kiển trầm giọng: Ông Ngọc mất đã 4 năm nay. Ông hiền hậu, luôn tôn trọng đồng nghiệp và hết lòng yêu thương học trò. Sau này, nhiều học trò đã theo nghiệp ông, đến các vùng xa xôi, khó khăn của tỉnh để dạy chữ. Chính vì vậy ông được đồng nghiệp, học trò cũng như nhiều người dân nơi ông công tác quý mến. Những ngày cuối đời, ông Ngọc luôn dặn dò các con, cháu phải siêng năng học tập để có điều kiện cống hiến cho xã hội được tốt hơn

 

Bà Kiển bảo đứa cháu nội lấy cho chúng tôi xem những tấm Giấy khen, những danh hiệu được cơ quan chức năng tặng cho gia đình. Tôi về làm dâu dòng họ Đồng Văn ở xóm Đồng Đình này từ lúc chưa đầy 20 tuổi. Bố mẹ chồng tôi được Chính phủ tặng Bằng có công với nước. 6 người con do các cụ sinh ra, ngoài chồng tôi là ông Ngọc, còn có ông Đồng Văn Ngà, Đồng Văn Tinh và bà Đồng Thị Bướm tham gia kháng chiến. Sau này ông Ngọc, ông Ngà, ông Tinh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến, còn bà Bướm là mẹ của 2 liệt sĩ thời kháng chiến chống Đế quốc Mỹ. Ngày đang công tác, ông Ngọc đi dạy học chủ yếu ở các xã Minh Lập, Hòa Bình, Văn Lăng (Đồng Hỷ) và xã La Hiên (Võ Nhai). Tiếng là thầy dạy chữ, nhưng hằng tuần ông vẫn đi bộ về nhà mang gạo đến nơi công tác. Tuy cuộc sống khó khăn, song ông Ngọc luôn động viên các đồng nghiệp của mình bám lớp, bám trường, tích cực nghiên cứu sách, soạn bài giảng phục vụ cho môn học. Để cuộc sống bớt khó khăn, ngoài giờ làm việc, ông cùng các học trò của mình tăng gia trồng thêm khoai, sắn, rau xanh để cải thiện bữa ăn...

 

Bà Kiển luôn tự hào khi kể chuyện chồng mình với mọi người. Ông Kiển đi dạy chữ, ở nhà, bà Kiển làm ruộng, nương và sinh cho chồng 9 người con. Bà bảo: Thế hệ của bà, phụ nữ ít người được học chữ lắm. Còn việc sinh đẻ nhiều là để... lấy người đánh giặc. Còn bây giờ các cháu được học hành đầy đủ, đừng học bà là "sinh đẻ vỡ kế hoạch đấy". Đã 85 tuổi, nhưng bà vẫn minh mẫn, tự đi lại, tự phục vụ mình và thường tham gia giúp con, cháu làm việc lặt vặt trong nhà. Hiện bà ở cùng người con trai út là anh Đồng Minh Hoàng. Các con, cháu của bà đều tích cực học tập, lao động sản xuất...