Hiệu quả từ tham gia cuộc vận động

09:01, 28/11/2011

Sau hơn 3 năm triển khai cuộc vận động: ‘‘Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo’’, Đại học Thái Nguyên có 44 thầy, cô giáo được tặng giấy khen.

Kết quả sau hơn 3 năm (từ cuối năm 2007 đến hết năm 2010), Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) triển khai cuộc vận động: ‘‘Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo’’ do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo phát động, toàn Đại học có 44 thầy, cô giáo được Giám đốc ĐHTN tặng giấy khen. Các Trường: Đại học Sư phạm, Đại học Nông lâm có 8 thầy, cô giáo/trường được khen; Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp có 7 thầy, cô giáo được khen.

 

Khi trao đổi với chúng tôi về kết quả cuộc vân động ‘‘Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo’’, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Văn Hinh, Chủ tịch công đoàn ĐHTN cho biết: Hiệu quả đem lại từ cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, giảng viên (CBGV) về ý nghĩa tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp và ý thức tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sáng tạo, qua đó góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục đào tạo trong toàn Đại học. 

 

Hiện ĐHTN có 3.573 người, trong đó có 2.372 CBGV và 1.201 người làm hành chính, phục vụ. Được sự chỉ đạo của Đảng ủy Đại học và hướng dẫn của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ngày 20-11-2007, Công đoàn ĐHTN đã triển khai phong trào này tới các công đoàn cơ sở trong Đại học. Để cuộc vận động triển khai có hiệu quả, Công đoàn ĐHTN đã xây dựng các tiêu chí cụ thể về tấm gương đạo đức, tấm gương tự học và sáng tạo trong công tác giáo dục của nhà giáo. Nội dung cuộc vận động được tổ chức dưới nhiều hình thức như hội thảo, triển khai các đề tài khóa học, chuyển giao khoa học công nghệ và biên soạn giáo trình. Cùng với đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, lồng ghép nội dung cuộc vận động với các phong trào thi đua khác nhau trong toàn Đại học. Chính vì thế cuộc vận động thu hút được hầu hết CBGV trong toàn Đại học tham gia.

Thầy Ngô Đức Minh, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cho biết: Hưởng ứng, làm theo cuộc vận động cũng chính là động cơ giúp mỗi thầy, cô giáo có thêm tinh thần tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, có sự sáng tạo trong giảng dạy thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Còn cô giáo Trần Nguyệt Anh, Phó Chủ tịch công đoàn Trường Đại học Sư phạm cho biết thêm: Dựa trên hướng dẫn chung của Ban Chỉ đạo cuộc vận động cấp trên, Ban chỉ đạo cuộc vận động của Trường do đồng chí Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Nhà trường làm Trưởng ban đã cùng các thành viên xây dựng tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng đối tượng CBGV trong Nhà trường. Vì thế cuộc vận động tạo được không khí thi đua tích cực trong toàn trường, tạo sự chuyển biến mạnh trong đội ngũ CBGV về ý thức tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp thường xuyên tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo trong giảng dạy, trong quản lý giáo dục. Trong 3 năm học gần đây, Trường Đại học Sư phạm đã bình chọn được 264 lượt nhà giáo tiêu biểu về thực hiện cuộc vận động.

 

Trong công tác, CBGV các đơn vị thành viên của ĐHTN luôn có sự sáng tạo, thể hiện bằng đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo. Từ năm 2007 đến hết năm 2010, CBGV đã tham gia 6 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 352 đề tài cấp bộ, biên soạn 460 bài giảng điện tử, có 1.235 bài báo đăng trên tạp chí Quốc tế và trong nước. Đánh giá về kết quả thực hiện cuộc vận động của đơn vị, thầy Lê Xuân Tòng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng tâm đắc: Cuộc vận động đã khơi dậy lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, tính tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ vận dụng vào giảng dạy của mỗi thầy, cô giáo để thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua ‘‘dạy tốt, học tốt’’.

 

Đạo đức của nhà giáo được thể hiện trên 3 tiêu chuẩn quan trọng là có ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm thực thi pháp luật và tinh thần phục vụ nhân dân trong các hoạt động giáo dục: Yêu nghề, yên tâm công tác, mô phạm với học sinh, sinh viên, đồng nghiệp và phụ huynh; đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt đối với học sinh, sinh viên, CBGV không chỉ đến với các em bằng kiến thức, mà bằng cả tình thương yêu, sự tôn trọng và thái độ thân thiện. Thầy, cô giáo không chỉ làm người dạy chữ, dạy kiến thức mà còn chú trọng việc trồng người. Cũng từ cuộc vận động này, việc tự học và sáng tạo của CBGV trong toàn Đại học đã trở thành một phong trào lớn. Kết quả đến nay có 100% CBGV trong Đại học biết ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy; hơn 90% CBGV chủ động soạn giáo án bài giảng trên máy tính. Nhờ có tinh thần tự học, đến nay trong Đại học Thái Nguyên đã có 90 Giáo sư, Phó Giáo sư, 253 tiến sĩ và 1.263 thạc sĩ.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Công đoàn ĐHTN, thầy Lương Văn Hinh cho chúng tôi biết thêm: Cuộc vận động tiếp tục được triển khai sâu, rộng và có nội dung cụ thể, thiết thực hơn. Thông qua đó làm cho đội ngũ CBGV và toàn thể người lao động trong Đại học nhận thức sâu sắc thêm những nội dung cơ bản và ý nghĩa về tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo của mỗi thầy cô giáo trong hoạt động giáo dục đào tạo. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ viên chức về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cũng như tinh thần tự học và sáng tạo.