Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi, những người làm báo nơi thủ phủ gió ngàn Thái Nguyên đã hành hương về T.P Hải Phòng, đến làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo thăm Đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Với tâm thành một nén trầm thơm kính dâng người thầy dạy học đầy đức độ, thanh bạch, được người đời sau tôn kính, ví ông là "Một bậc kỳ tài, hiền danh muôn thuở". Một nhà giáo, nhà tiên tri sống thời Lê - Mạc phân tranh.
Nguyễn Bỉnh Khiêm, tên hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ. Năm 1563, niên hiệu Đại Chính thứ 6 nhà Mạc, ông dự thi đình và đỗ Trạng Nguyên, sau được phong Trình Quốc công (Trạng Trình).
Sống giữa thời loạn, ông giấu mình, sống ẩn dật ở một làng quê. Vì nhiều người khuyên nhủ, ông đi thi và ra làm quan, được 8 năm, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua nghe, vì thế ông cáo quan về quê quy ẩn. Bên dòng Tuyết giang, ông dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ và mở trường dạy học. Cũng vì thế học trò gọi ông là "Tuyết giang Phu tử". Ông mất năm 1585, hưởng thọ 95 tuổi. Trong sự nghiệp "trồng người", ông có nhiều học trò nổi tiếng như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, nhà ngoại giao tài ba; Nguyễn Dữ, tác giả Truyền kỳ mạn lục; Quốc công Nguyễn Quyện; Thượng thư Bộ hộ Trạng nguyên Giáp Hải... Cũng trong sự nghiệp "trồng người", ông là người thầy luôn tôn trọng chí hướng của học trò, ông còn có cái nhìn xa và rộng của một người yêu dân, yêu nước, vượt trên cả cái nhìn của Nho gia.
Bên dòng Tuyết giang, Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng từ năm 1736, ngự trên một khu đất rộng gần 6 ha, toàn bộ công trình kiến trúc tạo thành một quần thể gồm cổng tam quan, bên trong có ngôi đền thờ chính 3 gian, gian chính diện đặt tượng và bài vị của ông. Tượng ông được làm bằng gỗ, mình mặc áo rồng vua ban, đầu đội mũ cánh chuồn, tay phải cầm cuốn tập giơ lên như đang giảng đạo cho các học trò. Phía sau đền được dựng lên ngôi nhà 3 gian lợp cói, mô phỏng Bạch Vân am nơi sau ngày ông từ quan về dạy học, làm thơ và ngẫm ngợi chuyện đời. Sống ẩn dật nơi thôn dã, người ẩn sĩ ở am mây trắng đã có những bài "sấm truyền", đoán định việc xảy ra tới hàng trăm năm sau.
Am Bạch vân ngày nào cũng có bạn bạn bè, học trò lui tới đàm đạo thế sự. Ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như "Bạch vân" gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán; "Trình Quốc công Bạch vân thi tập" và "Bạch vân Quốc ngữ thi" với hàng trăm bài thơ chữ Nôm. Thơ ông mang chất hiện thực và triết lý sâu xa, thể hiện đạo lý đối nhân xử thế, lấy đức bao trùm lên tất cả với mục đích răn dạy đời. Sống đời "an bần lạc đạo", lòng thanh khiết như "vầng mây trắng" ở ngay giữa lòng nhân dân.
Đến thăm đền, ai nấy bùi ngùi tưởng nhớ tới người thiên cổ. Và tôi, cũng như bao con dân đất Việt khi về đây, thắp nén trầm thơm đều hoài niệm về một miền xa vắng - giữa thời loạn mà có những con người thanh cao, không màng danh lợi như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lòng chợt nghĩ suy, liên tưởng, mơ ước trong thời đất nước đổi mới, hội nhập, xã hội không có chốn dung thân cho những kẻ luồn cúi, nhũng nhiễu dân lành.