Lần đầu tiên ở Việt Nam, một trường đào tạo phi công theo đúng hình thức của một trường dạy nghề, nơi người học có thể tự đóng học phí để được đào tạo lái máy bay đã ra đời.
Trong bối cảnh công tác đào tạo nghề ở Việt Nam thường bị xem là thiếu gắn kết với nhu cầu của thị trường, mô hình dạy nghề phi công này có thể coi là khá thú vị. Nhiều người cũng hy vọng rằng, đây sẽ là cơ sở để trong tương lai Việt Nam phát triển bộ môn lái máy bay thể thao cũng cũng như đẩy mạnh việc sở hữu máy bay tư nhân.
Con đường để thành lập một trường đào tạo phi công tưởng như đơn giản, nhưng đã phải trải qua 17 năm tìm tòi và cuối cùng, chỉ có lời giải khi người ta tìm ra phương án xã hội hóa đào tạo.
Ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Khóa 2 của công ty cổ phần đào tạo bay Việt sẽ là khóa học đầu tiên mà các học viên được thực hành bay ngay tại Việt Nam".
Dù tất cả còn rất mới mẻ, nhưng ngay từ lúc này đã có những lời khẳng định về chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn thế giới.
Ông Eric Marsot, giáo viên của Học viện hàng không ESMA (Pháp) khẳng định: "Tôi không thấy lo lắng gì về khả năng của những sinh viên này sau khi họ tốt nghiệp. Ở đây, chương trình chúng tôi dạy hoàn toàn giống so với chương trình giảng dạy của các sinh viên Pháp, Trung Quốc hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Bởi vậy, nếu học viên vượt qua những bài học này, họ cũng sẽ có chất lượng tương đương với chuẩn thế giới".
Phần lớn các hãng hàng không đến nay vẫn phải đi thuê và phụ thuộc vào phi công nước ngoài. Sự xuất hiện của ngành đào tạo phi công tại Việt Nam xem như đã đánh đúng nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Nhu cầu đó đang cần được đáp ứng bởi không chỉ một trường đào tạo phi công.