Vài suy nghĩ về đào tạo giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học

08:38, 11/11/2011

Trong xu thế hội nhập, Việt Nam làm bạn với tất cả các nước trên thế giới thì ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.  

Thành thạo tiếng Anh giúp cho ta nói với bạn bè trên thế giới những điều ta muốn diễn đạt đồng thời ta cũng sẽ học hỏi được những điều hay từ các nước. Bước vào thời kỳ bùng nổ thông tin, khoa học kỹ thuật, giỏi ngoại ngữ còn giúp  ta dễ nắm bắt cơ hội kinh doanh và gặt hái được những thành công nhất định. Thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh (một ngôn ngữ quốc tế), hầu hết các gia đình người Việt muốn con em mình được học tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học. Điều này đã nảy sinh rất nhiều thách thức cho toàn xã hội và đòi hỏi những cơ quan chức năng trong ngành giáo dục phải sớm tìm ra giải pháp để có thể đáp ứng được nhu cầu xã hội.

 

Thật khó để có đủ giáo viên tiếng Anh cho tất cả các trường tiểu học trong cả nước khi mà hầu hết giáo viên tốt nghiệp từ các trường chuyên ngoại ngữ đều dạy ít nhất là từ  bậc trung học cơ sở trở lên. Một số sinh viên đại học ngoại ngữ ra trường nếu không đi dạy thì cũng chọn đi làm cho các công ty liên doanh nước ngoài với mức thu nhập cao hoặc lựa chọn những vị trí hấp dẫn khác chứ ít ai chọn dạy hợp đồng ở các trường tiểu học. Trong khi, các trường cao đẳng thì gần như không còn đào tạo giáo viên tiếng Anh.

 

Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 9 năm 2010, sẽ đưa tiếng Anh vào dạy ở bậc tiểu học, bắt đầu từ lớp 3 trở lên. Các trường tiểu học tuyển giáo viên tiếng Anh bằng cách cho những thầy cô đã tốt nghiệp đại học tại chức chuyên ngành tiếng Anh ký hợp đồng. Điều này chỉ là giải pháp tạm thời vì không có biên chế thì trong quá trình giảng dạy, các thầy cô không thể yên tâm công tác lâu dài. Thực trạng này dẫn đến hệ quả là số lượng và chất lượng của giáo viên tiếng Anh của các trường luôn trong tình trạng không ổn định. Điều này cũng cho thấy, giáo viên tiếng Anh vẫn chưa có chỗ đứng trong các trường tiểu học khi mà họ chỉ dạy một môn như vậy.

 

Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã tuyển sinh sinh viên vào Khoa Tiểu học bằng khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ mà hầu hết là tiếng Anh) thì tại sao chúng ta không đào tạo họ để họ có thể dạy được tất cả các môn trong đó có tiếng Anh. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề biên chế, yếu tố vùng miền và nhiều yếu tố liên quan khác. Thứ nhất là một giáo viên được đào tạo theo mô hình này khi nhận công tác sẽ cảm thấy yên tâm vì họ có thể dạy được tất cả các môn và có thể được tuyển dụng vào biên chế. Thứ hai là không cần nhiều giáo viên mà vẫn đảm bảo dạy đủ chương trình tiểu học. Thứ ba là có sự gắn kết giữa giáo viên với nhà trường và giáo viên với học sinh vì khi có chỗ đứng trong nhà trường, đơn vị chủ quản sẽ quản họ dễ dàng hơn cả về chuyên môn và nhân lực, đồng thời giáo viên cũng quản lý học sinh có hiệu quả hơn bởi ở bậc tiểu học giáo viên vừa dạy tất cả các môn vừa làm công tác chủ nhiệm. Thứ tư là về yếu tố vùng miền, những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, chúng ta rất cần những thầy cô dạy được nhiều môn vì nơi đó ít học sinh, quy mô lớp học nhỏ. Việc làm này sẽ mang ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế và chính trị. Nó vừa giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước vừa giúp cho con em đồng bào dân tộc thiểu số có thêm cơ hội được tiếp cận với các môn học mới mang tính hội nhập.

 

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, chúng ta cần thay đổi cách thức tuyển sinh bằng cách chú ý đến điểm, nhân đôi điểm ngoại ngữ và khi tốt nghiệp, sinh viên phải thi môn ngoại ngữ, đòi hỏi các em phải đạt trình độ nhất định (ví dụ như B1 theo khung Châu Âu) mới được công nhận tốt nghiệp.

 

Tóm lại, để đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh cho bậc tiểu học, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề xuất phát từ thực tế đó có cơ sở đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh bậc tiểu học. Khoa tiểu học trong các trường đại học sư phạm có thể đào tạo được những thầy cô như vậy nếu thực hiện tuyển sinh cả khối D và có chương trình đào tạo hợp lý.