Viện Vật lý Mỹ (AIP) vừa có quyết định tặng thưởng huy chương cho Giáo sư Trần Thanh Vân vì những đóng góp cho cộng đồng vật lý thế giới.
Hơn 4 thập kỉ qua, GS Trần Thanh Vân đã đưa các nhà vật lý trên thế giới đến gần nhau hơn qua các hội nghị về Vật lý mà ông tham gia tổ chức như hội nghị "Gặp gỡ Moriond" hay hội nghị "Gặp gỡ Blois", một hội nghị quốc tế thường niên về vật lý và thiên văn diễn ra ở thành phố Blois (miền Trung nước Pháp). “Gặp gỡ Blois” quy tụ hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để giới thiệu và trao đổi về những khám phá mới trong lĩnh vực vật lý hạt nhân.
GS Vân cũng được vinh danh vì những nỗ lực không mệt mỏi của mình để xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại tại Việt Nam. GS Trần Thanh Vân là nhà sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Gặp gỡ Khoa học và Giáo dục Liên ngành (International Centre for Interdisciplinary Science and Education/ICISE) tại Quy Nhơn.
Ông mong muốn thu hút nhiều nhà bác học lớn trên thế giới đến Việt Nam, giao lưu với các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh Việt Nam, giúp đỡ các bạn trẻ nước ta phát triển tài năng. Giáo sư hi vọng ICISE rồi đây sẽ trở thành điểm sáng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả vùng Đông-Nam Á, góp phần tô đẹp hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Giải thưởng dành cho GS Vân là một huy chương bằng đồng, giấy chứng nhận và một khoản tiền mặt 10.000 USD. GS Trần Thanh Vân sẽ có mặt tại hội nghị của Hội Vật lý Mỹ từ 31/3 đến 3/4/2012 tại Atlanta, Mỹ để nhận giải thưởng này.
Huy chương AIP Tate được đặt theo tên nhà vật lý John Torrence Tate cha (John Torrence Tate con là nhà toán học người Mỹ - pv), giáo sư của trường đại học Minnesota và là biên tập viên của Tạp chí Vật lý. Huy chương được trao 2 năm một lần cho các nhà vật lý nước ngoài, nhấn mạnh vào khả năng lãnh đạo và tổ chức trong cộng đồng vật lý hơn là các thành tựu nghiên cứu.
GS-TS Trần Thanh Vân sinh năm 1937 tại Việt Nam, sang Pháp học ngành vật lý nguyên tử từ năm 1953. Sau khi được phong hàm giáo sư, ông vừa giảng dạy tại Đại học sư phạm Paris, vừa tiếp tục tìm hiểu về vật lý hạt nhân và trở thành giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp. Từ năm 1966, giáo sư Trần Thanh Vân đã đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về vật lý nguyên tử tại Pháp và nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Là một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, giáo sư Trần Thanh Vân vẫn luôn hướng về Việt Nam.