Chòng chành con chữ đảo xa

15:54, 21/12/2011

Phòng học ở đảo Trường Sa rất đặc biệt, bàn học được kê vuông góc và hướng mặt ra 4 hướng khác nhau, Giờ lên lớp, một cô giáo đi vòng quanh để giảng dạy kiến thức cho học sinh của 5 lớp khác nhau…

Đã có chủ định trước nên chúng tôi đến thăm phòng học ở đảo thị trấn Trường Sa từ rất sớm. Gọi thế là bởi hiện tại chưa có ngôi trường riêng cho các em, việc dạy và học đang phải nhờ trong một phòng tại Nhà văn hóa của thị trấn. Phòng học này rất đặc biệt, bàn ghế không được xếp thẳng hàng mà xếp thành hình vuông, phía đầu phòng và cuối phòng đều có treo một tấm bảng lớn để viết. Trong phòng học chỉ có một cô giáo liên tục đi quanh các bàn để truyền đạt kiến thức, học sinh thì ngồi quay lưng lại với nhau, phía gần cửa ra vào còn có một chiếc bàn kê riêng cho một học sinh ngồi từ phía cửa nhìn vào trong lớp.

 

Sở dĩ có sự đặc biệt như vậy là do trong phòng học này có tới 5 lớp học ở hai bậc học (mầm non và tiểu học), tổng số học sinh chỉ vỏn vẹn có 8 em, trong đó một em học lớp 5, một em học mẫu giáo, lớp 1, 2,3 mỗi lớp cũng chỉ có 2 học sinh. Đây cũng là tổng số học sinh trong độ tuổi đến trường trên  đảo Trường Sa. Khi cô giáo giảng bài cho học sinh lớp 5, dù không muốn nhưng học sinh các lớp: 1, 2, 3 và cả mẫu giáo cũng đều phải nghe, mặc dù những kiến thức đó các em chưa thể tiếp thu được.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vấn đề chăm lo giáo dục cho con em của người dân trên đảo được lãnh đạo và các đoàn thể của thị trấn rất quan tâm. Tuy nhiên, do điều kiện thực tế về nguồn nhân lực giáo viên chưa có đủ nên công tác giáo dục trên đảo còn nhiều điều bất cập. Hiện, ở đảo Trường Sa chỉ có một giáo viên tiểu học, để phụ thêm việc giảng dạy cho học sinh, UBND thị trấn đã cử thêm 2 cán bộ kiêm nhiệm để duy trì lớp học vào các buổi chiều và dạy tiếng Anh, vi tính cho học sinh. Đây chỉ là biện pháp tình thế bởi hiện nay thị trấn chưa thể bố chí được thêm giáo viên. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Bùi Thị Nhung cho biết cô dạy học ở đây đã được 4 năm rồi. Việc phải dạy nhiều học sinh khác lớp nhau trong cùng một phòng học khiến cô gặp không ít khó khăn. Để có thể truyền đạt được đầy đủ kiến thức cho các em, cô phải đọc rất kỹ giáo án trước khi lên lớp, đồng thời phân bổ thời gian hợp lý để các em cùng tiếp thu bài một cách hiệu quả. Theo nhận xét của cô Nhung, tất cả học sinh ở đây đều tiếp thu được bài giảng, tuy nhiên việc dạy và học như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Cuối năm các em đều được lên lớp nhưng về kiến thức thì sẽ không thể so được với các em học sinh được học ở một ngôi trường tốt hơn.

 

Chị Nguyễn Thị Hạnh, phụ huynh em Võ Viết Hiền, hiện đang học lớp 5 ở đảo, lo lắng nói: Về đời sống  kinh tế thì không mấy khó khăn, lương thực được Nhà nước lo đầy đủ, ngoài ra các hộ dân còn được cấp thuyền thúng, lưới đánh cá để phát triển nghề gắn với môi trường sống ở đảo, tuy nhiên lo lắng nhất của gia đình tôi là vấn đề học hành của các con. Không có cô giáo dạy cấp II, hết lớp 5 con tôi lại phải gửi vào đất liền để học tiếp, xa cách có khi hàng mấy năm trời mới gặp, không được ở bên con để dạy bảo, kèm cặp, chỉ thông tin qua điện thoại thôi, gia đình tôi lo lắm. Chỉ mong sao sau này các cháu nhỏ trong xóm được học cấp II ngay tại đảo, gần gia đình, gần bố mẹ, để các cháu không phải xa cách như bây giờ…

 

Sau giờ lên lớp, trước lúc chia tay chúng tôi để trở về cùng chồng chăm sóc gia đình nhỏ và đứa con mới sinh của mình, cô giáo Nhung nói với chúng tôi trong niềm xúc động: Khó khăn nhiều nhưng càng ngày tôi càng thấy yêu đảo, yêu cuộc sống ở đây hơn. Trong cuộc đời, khoảnh khắc mà tôi không thể nào quên được là những lúc tiễn các em học sinh vào đất liền học lên cấp II. Lúc đó, cả cô và trò đều òa khóc. Thương cảm là vậy nhưng vì hiện tại ở đảo chưa có giáo viên về dạy nên đành động viên các em cố gắng chăm ngoan, học giỏi để sau này quay trở về xây dựng đảo ngày một giàu mạnh hơn…

 

Đây cũng là niềm tin mãnh liệt của cán bộ, nhân dân trên đảo Trường Sa, nơi đầu sóng, ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam biết mấy thân yêu.