Để học sinh yêu môn Sử

08:56, 02/12/2011

Để các em học lịch sử chủ động, yêu thích môn học, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho học sinh thì cần phải có phương pháp dạy phù hợp. Phương pháp dạy học cô giáo Thảo tìm đến là lấy học sinh làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Sinh ra và lớn lên tại T.P Thái Nguyên trong một gia đình có truyền thống day học nên ngay từ bé Bùi Phương Thảo đã mơ ước trở thành giáo viên để nối nghề của cha mẹ. Năm 1996, Thảo thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm, sau hai năm học đại cương, Thảo đã lựa chọn chuyên ngành Lịch sử để thực hiện ước mơ của mình. Năm 2000, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, cô được điều động về dạy bộ môn Lịch sử tại trường THCS Na Mao, Đại Từ. Những ngày đầu đứng lớp đối với giáo viên trẻ như cô Thảo thật sự nhiều khó khăn. Kiến thức ở trường đại học chỉ là nền tảng “cần” để mỗi giáo viên đứng lớp chứ chưa phải là điều kiện “đủ” để giáo viên có những tiết giảng hay. Bởi thế,  ngoài những kiến thức đã được học trong nhà trường cô Thảo chủ động tìm tài liệu để đọc, tra cứu, làm giàu thông tin về môn học, nhất là những thông tin mới. Cùng với việc chủ động cập nhật kiến thức nền tảng, cô luôn trao đổi học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp trong trường, học hỏi giáo viên các trường bạn mỗi khi có điều kiện.

 

Năm 2004, cô Thảo được điều động về trường THCS Phục Linh, Đại Từ. Qua thời gian dạy  học tại trường THCS Na Mao, rồi đến trường Phục Linh cô Thảo rút ra một điều, nếu chỉ dạy sử theo cách giảng truyền thống, học sinh sẽ tiếp thu các bài học một cách máy móc và thụ động sinh ra tâm lý ngại và chán môn học. Để các em học lịch sử chủ động, yêu thích môn học, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho học sinh thì cần phải có phương pháp dạy phù hợp. Phương pháp dạy học mà cô tìm đến là lấy học sinh làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy lịch sử. Đây là phương pháp dạy học mới, bắt buộc giáo viên phải chủ động đầu tư nhiều về thời gian cũng như tự trang bị kiến thức. Thực hiện việc đổi mới cách dạy, khi lên lớp cô Thảo cung cấp các nguồn tài liệu để học sinh tự tiếp cận. Cô chủ động gợi ý để học sinh trao đổi kiến thức, đưa ra nhưng nhận định riêng về các sự kiện lịch sử, phân tích các giai đoạn theo cách hiểu của bản thân mình. Đặc biệt là xây dựng một hệ thống câu hỏi mang tính chất gợi mở để các em phát huy khả năng sáng tạo.

 

Bản chất của lịch sử là sự kiện, nhưng học sử không phải cứ thuộc lòng các sự kiện, yếu tố trực quan đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu, hiểu và ghi nhớ các sự kiện lịch sử. Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin là một ưu thế trong dạy lịch sử. Ngoài những tiết học thông thường cô Thảo giành nhiều thời gian thiết kế tiết học bằng giáo án điện tử. Việc thiết kế giáo án điện tử và giảng dạy trên máy tính bằng hình ảnh, tư liệu, lược đồ, đoạn phim minh họa tái hiện lại quá khứ giúp bài giảng của cô Thảo thu hút được sự chú ý và tạo hứng thú cho học sinh. Lịch sử không còn nặng nề, mang tính giáo điều mà thực sự làm cho học sinh thích thú. Từ thực tế giảng dạy, giáo án điện tử của cô Thảo được đồng nghiệp đánh giá cao, lựa chọn để tham khảo. Khi tham gia Hội thi Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tích cực cấp THCS năm học 2011-2012 do Phòng Giáo dục huyện Đại Từ tổ chức, giáo án của cô Thảo đã được xếp loại B.

 

Chia sẻ cách giảng dạy của mình cô Thảo cho biết: Việc sử dụng giáo án điện tử trong dạy học lịch sử mang lại hiệu quả rõ nét, nó thổi luồng gió mới vào học sinh và giáo viên, làm cho giáo viên thêm nhiệt huyết với nghề nghiệp và học sinh hăng say học tập. Tuy nhiên, để thiết kế được một tiết giảng giáo viên phải có kỹ năng nhất định về tin học: soạn thảo văn bản,  khai thác  Internet, sử dụng phần mềm MS Powerpoint. Không phải bài nào trong chương trình cũng có thể sử dụng giáo án điện tử, giáo viên phải lựa chọn kỹ các tiết dạy có sử dụng công nghệ thông tin hay không. Khi thực hiện giáo án điện tử giáo viên cũng phải cân nhắc kỹ, không nên lạm dụng các hiệu ứng trình chiếu phức tạp. Giáo viên nên lựa chọn các tư liệu phục vụ tốt nhất cho bài giảng tránh ôm đồm lạm dụng các tư liệu làm loãng nội dung bài giảng. Cô Thảo cũng cho rằng giáo án điện tử có nhiều ưu điểm nhưng cũng không tránh khỏi hạn chế. Một trong những hạn chế là do chạy lần lượt các slide nên không để lại dàn bài như viết bảng. Giáo viên có thể khắc phục hạn chế này bằng cách tạo một slide dàn ý sau cùng để củng cố bài học hoặc kết hợp công cụ trình chiếu với ghi bẳng.

 

 

Những đóng góp của cô giáo Thảo đã được ghi nhận bởi sự thay đổi của học sinh trong quá trình học môn Sử tại trường THCS Phục Linh. Từ chỗ ngại học Lịch sử nhiều em học sinh đã dần yêu thích môn học này. Đội tuyển học sinh giỏi môn Sử của trường do cô Thảo bồi dưỡng năm nào cũng mang về niềm vinh dự cho nhà trường. Riêng năm học 2009-2010, 11 học sinh dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử, có 9 em đoạt từ giải Khuyết khích đến giải Nhì. Đóng góp của cô còn được khẳng định bằng nhiều danh hiệu: 6 năm là Chiến sĩ thi đua của ngành Giáo dục huyện Đại Từ. 8 năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi, trong đó 3 năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 5 năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

 

Điều cô Thảo còn trăn trở là những năm gần đây thí sinh thi đại học môn sử bị điểm không quá nhiều. Ngoài việc học của các em chưa tốt thì bản thân những giáo viên dạy sử như cô cũng có phần trách nhiệm không nhỏ, bởi thế cô vẫn luôn tâm niệm phải cố gắng hơn nữa trong quá trình dạy học để góp phần làm cho “dân ta phải biết sử ta” như lời Bác Hồ từng căn dặn.