Đến 2015: 100% giảng viên ĐH sư phạm có trình độ từ thạc sĩ

08:29, 15/12/2011

Theo Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 vừa được Bộ GD&ĐT phê duyệt, sẽ có 7 đề án lớn được thực hiện trong giai đoạn này.

Mục tiêu của Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 là nhằm phát triển ngành sư phạm Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020;  Xây dựng các trường đại học sư phạm trở thành các trung tâm sáng tạo, đổi mới căn bản và toàn diện của ngành sư phạm cả nước; Tăng cường sự gắn kết giữa hệ thống các trường, khoa sư phạm với hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và các cấp quản lý giáo dục để bảo đảm sự đồng bộ trong việc xõy dựng và triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.

 

Theo đó, Chương trình sẽ được triển khai qua 7 đề án: Củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm; Phát triển đội ngũ giảng viên các trường, khoa sư phạm; Đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên; Nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; Tăng cường vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và công chức sở, phòng giáo dục và đào tạo; Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường sư phạm; Kiểm định chất lượng các trường sư phạm.

 

 

Theo các đề án, Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung đầu tư nguồn lực cho 2 trường đại học sư phạm trọng điểm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) thành các cơ sở đào tạo có trình độ cao làm nòng cốt nghiên cứu và thực hiện những chủ trương lớn của ngành trong đổi mới hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và đổi mới hệ thống các trường sư phạm; đầu tư phát triển trường đại học sư phạm/ khoa đại học sư phạm ở Cần Thơ, Đà Lạt, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Thái Nguyên, Tây Bắc để cùng với các trường đại học sư phạm trọng điểm tập trung đào tạo giáo viên trình độ cao và bồi dưỡng giảng viên các trường đại học, cao đẳng…

 

Đến năm 2015, 100% giảng viên đại học sư phạm sẽ đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 20% đạt trình độ tiến sĩ; năm 2020, ít nhất có 45% giảng viên đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ. Đến năm 2015, 50% giảng viên cao đẳng sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 5% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020, ít nhất 80% đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% trình độ tiến sĩ. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm không quá 20/1 vào năm 2020.

 

Đến năm 2020, cơ bản giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên; giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông có trình độ đại học, trong đó ít nhất 30% giáo viên trung học phổ thông có trình độ thạc sĩ trở lên, 100% hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình của Bộ.

 

Cũng đến mốc năm 2020, 100% cán bộ quản lý giáo dục có Chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giỏo dục theo chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; trên 20% hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non, phổ thông và giám đốc, phó giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên có bằng Thạc sĩ quản lý giáo dục.

 

Một nội dung khác của các đề án là đến năm 2012, các cơ sở đào tạo giáo viên đều có chương trình đào tạo mới, đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên phục vụ chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sau năm 2015. Đến năm 2015 các trường sư phạm có đủ giáo trình chất lượng cho tất cả các môn học; đến năm 2020 tất cả các trường sư phạm có thư viện điện tử.

 

Để thực hiện Chương trình, từ nay đến năm 2015, sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình và các Ban chủ nhiệm Đề án thuộc Chương trình; Triển khai kế hoạch hoạt động của các đề án thuộc Chương trình gắn với các hoạt động thường xuyên của quá trình xây dựng, phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm.

 

Giai đoạn 2016-2020, sẽ tiến hành điều chỉnh các nội dung cần thiết của Chương trình và của các đề án thuộc Chương trình; tiếp tục triển khai các đề án thuộc Chương trình gắn với các hoạt động thường xuyên của quá trình xây dựng, phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm.