Chất lượng giảng viên trẻ: Vấn đề sống còn

16:29, 17/01/2012

Việc một số trường và ngành học buộc phải ngừng tuyển sinh trong thời gian qua do thiếu giảng viên đã khiến nhiều trường ĐH, CĐ phải cấp tập lo tuyển thêm giảng viên cơ hữu bên cạnh việc ưu đãi để giữ chân các giảng viên sẵn có. Tuy nhiên, sự tích cực này khó đem lại hiệu quả khi chính sách cho giảng viên trẻ hiện nay chưa đủ sức thu hút đối với họ.

Chế độ lương bất hợp lý

 

Mức thu nhập và các điều kiện bảo đảm công việc, cuộc sống vẫn là điều được nhiều người nhắc tới khi đề cập tới khó khăn trong việc thu hút giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Nga, Trường ĐH Đồng Tháp so sánh: Nếu ở Mỹ, giảng viên ĐH đứng thứ ba trong mười vị trí đầu bảng về phân công lao động xã hội thì ở Việt Nam, lương giảng viên cũng chỉ bằng lương nhân viên ngồi trực điện thoại hay nhân viên của doanh nghiệp có trình độ phổ thông. Chính vì thế, để bảo đảm nhu cầu cuộc sống ở thành phố, giảng viên phải làm thêm, thậm chí phải "chạy sô như ca sĩ". Như vậy, làm sao còn thời gian để họ đầu tư vào nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên ngành cũng như ngoại ngữ...

 
 

Thực tế trên đã làm cho các trường ĐH mất đi tính hấp dẫn và mất một lượng chất xám lớn khi không giữ lại được những sinh viên xuất sắc để phục vụ nhu cầu phát triển đào tạo. Bên cạnh đó, ở nhiều trường, đa số sinh viên giỏi ở lại làm giảng viên với mục đích tìm học bổng du học, song khi trở về thì thường không ở lại trường làm việc bởi mức thu nhập quá thấp. Lãnh đạo Trường ĐH Mỏ Địa chất cho biết, hằng năm nhà trường đều có kế hoạch tuyển gần 100 giảng viên vào nhiều chuyên ngành khác nhau, tuy nhiên, không năm nào trường tuyển đủ số lượng theo yêu cầu. Chỉ những chuyên ngành "hot" của trường như địa chất, dầu khí… là có nhiều ứng viên giỏi tham gia dự tuyển, trong khi có ngành có năm không tuyển được giảng viên nào.

 

Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, giảng viên sư phạm ở độ tuổi mới tốt nghiệp ra trường, ở lại trường thì phải mất từ 3 đến 10 năm đi học liên tục để đạt chuẩn giảng viên, trong khi đó, mức lương không đủ để bảo đảm sinh hoạt tối thiểu. Ngay với cán bộ được tuyển dụng, rồi cho đi học thạc sĩ nhưng học xong không được điều chỉnh lương ngay. Tồn tại một nghịch lý là trong 2 giảng viên trẻ, một người được cử đi học nghiên cứu sinh, có bằng tiến sĩ, nhưng không được điều chỉnh lương ngay, nên thu nhập vẫn thấp hơn giảng viên khác do thâm niên đi dạy không bằng. Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh nhấn mạnh: Phải nói là chế độ lương hiện nay không hấp dẫn cán bộ trẻ có năng lực làm giảng viên ĐH, nhất là ở các chuyên môn như công nghệ thông tin, kỹ thuật.

 

Phải coi là vấn đề sống còn

 

Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kiến nghị, cần có chính sách lương phù hợp hơn đối với cán bộ giảng viên trẻ. Riêng với ngành sư phạm, theo Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh, phải tính toán lại giờ lao động của giảng viên cho phù hợp với đặc điểm lao động của họ. Cần xem lại chế độ thanh toán tiền thừa giờ, vì trên thực tế, ta không khuyến khích thừa giờ và không phải giờ làm thừa có chất lượng cao hơn, đủ để phải trả cao. Nên có chế độ phụ cấp, bồi dưỡng đứng lớp, tính ngay từ giờ đầu tiên, điều này có lợi cho cán bộ trẻ và không biến họ trở thành "thợ dạy".

 

Thay vì trở thành "thợ dạy", giảng viên trẻ được khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nhiều giảng viên trẻ cho biết, dù việc nghiên cứu khoa học giúp họ yêu nghề hơn, song thu nhập từ nguồn này cũng không đủ khiến nó trở thành động lực thúc đẩy họ gắn bó với nghề. Kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH thường rất thấp, khoảng 800 triệu đồng/năm. Đề tài cấp trường có khi chỉ vài triệu đồng/đề tài. Với đề tài cấp nhà nước, bình quân 100 giảng viên mới có 4,9 giảng viên tham gia nghiên cứu. Với đề tài cấp bộ, cứ 100 giảng viên mới có trên dưới 10 người tham gia nghiên cứu. Với tỉ lệ và kinh phí như vậy, giảng viên trẻ khó có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học, chưa nói tới việc sống được bằng công việc ấy, đặc biệt là những giảng viên chưa có học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Đề cập tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý nhìn nhận: Tỉ lệ giảng viên là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước còn rất khiêm tốn và cũng chỉ tập trung vào đội ngũ giảng viên trên 45 tuổi. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp thu hút nhiều hơn nữa giảng viên dưới 45 tuổi tham gia làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học mạnh tại các trường.

 

Tiến sĩ Đỗ Tiến Sĩ, Học viện Quản lý giáo dục cũng khẳng định, việc bồi dưỡng, phát triển giảng viên trẻ cần một sự đổi mới thực chất và hiệu quả. Cần có một chế độ pháp lý sao cho việc phát triển nghề nghiệp của giảng viên không phải là chuyện của cá nhân, mà là chiến lược phát triển chung của nhà trường. Nhà trường phải có trách nhiệm, phải coi việc đó là bắt buộc, là vấn đề sống còn, là giá trị, thương hiệu của nhà trường.