Niềm vui của cô - trò vùng cao

14:32, 17/01/2012

Trường tiểu học Phú Đô (Phú Lương),  có 15 lớp, với 295 học sinh, trong đó có gần 80 em học ở phân hiệu lẻ cách Trường gần 10km …

Trong đợt rét đậm kéo dài hàng tháng trời của mùa đông năm nay, chúng tôi có dịp cùng cán bộ, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, Ngân hàng AGRIBANK Thái Nguyên đến tặng quà, áo ấm cho các học sinh trường tiểu học và THCS Phú Đô, xã Phú Đô (Phú Lương), hình ảnh về những học trò nghèo vượt quãng đường 5-7km trong thời tiết giá rét để đến lớp học chữ cứ làm chúng tôi nhớ mãi.

 

Nhiều học sinh đến lớp áo không đủ ấm, lại đi bộ cả quãng đường xa nên nhiều khi vào lớp muộn mà các thầy cô vẫn thông cảm, động viên các em hôm sau đi học đúng giờ hơn. Có em nhà cách trường hơn 6 cây số, phải dậy từ 5 giờ sáng để đến lớp kịp giờ. Cô giáo Đào Thị Bích Thủy, đã có 19 năm công tác tại Trường tiểu học chia sẻ: Học sinh ở đây nghèo lắm, chủ yếu là người dân tộc ít người, nhiều gia đình thiếu ăn vài tháng trong năm nhưng các em vẫn chịu khó đến lớp. Hiện nay, Trường có 15 lớp, với 295 học sinh, trong đó có gần 80 em học ở phân hiệu lẻ cách Trường gần 10km (chủ yếu là học sinh người Mông bản Na Sàng, xóm Phú Thọ). Để duy trì sĩ số, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã phân công các thầy, cô giáo đến từng gia đình, nhất là những hộ dân tộc Mông, gia đình ở vùng sâu, vùng xa để vận động cha mẹ tạo điều kiện cho con đến lớp. Vì thế, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt trên 90%, không có trường hợp trẻ bỏ học giữa chừng.

 

Hôm chúng tôi đến tặng quà cho học sinh nhà trường, thấy các em mặc áo đồng phục rất đẹp nhưng mỏng manh vì chỉ có hai lớp vải trong khi thời tiết lạnh giá mặc đến 4-5 áo vẫn thấy tê cóng chân tay. Để có được chiếc áo đồng phục ấy, nhà trường đã vận động các bậc phụ huynh đóng góp nhiều lần mới may được cho các em đúng dịp Trường đón chuẩn quốc gia đầu năm học 2011-2012 này. Nhiều em đã “diện” áo đồng phục cả tuần vì nhà nghèo không còn chiếc áo nào hơn. Em Tạ Thị Thảo, lớp 6A cho biết: cả năm bố mẹ chỉ mua cho một bộ quần áo vào dịp khai giảng năm học mới. Mới đầu mùa đông mà đã rét quá nên em phải mặc mấy chiếc áo cũ vào trong và khoác áo đồng phục ra ngoài để đến lớp. Tết năm nay, mẹ em không phải lo bán gà, bán gạo để mua áo đẹp cho hai chị em nữa vì em vừa được các bác tặng cho chiếc áo phao rất ấm và đẹp nữa. Chúng tôi cảm nhận được niềm vui ấy trên khuôn mặt của các học sinh. Các em ngắm nghía cho nhau và chọn cho mình chiếc áo vừa vặn, ưng ý. Có thầy cô đã nói: Tối nay, nhiều em sẽ vui không ngủ được vì đây là chiếc áo đẹp nhất mà các em có.

 

Nhìn học trò vui, phấn khởi, các cô cũng vui lây, nhưng không khỏi chạnh lòng vì vất vả của học sinh ở vùng núi cao còn nhiều khó khăn này. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Chuyên, dạy lớp 3 chia sẻ: Trường không có điều kiện để tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học vì trên 50% học sinh thuộc diện hộ nghèo nhưng thấy nhiều em nhà xa, thường phải mang cơm nắm để ăn trưa với mấy con cá khô, muối trắng, nhìn mà thấy xót xa. Nhiều hôm, cô giáo phải nấu mì tôm thành canh để các em chan cơm ăn cho đỡ lạnh. Có em nhà cách xa trường, trời mưa rét, chân không tất chỉ xỏ đôi dép nhựa cũ, nên khi đến lớp đôi bàn chân lấm lem đất đỏ, tím tái cô phải đốt lửa để sưởi trước khi vào học…

 

Còn rất nhiều khó khăn trên con đường đến trường học chữ của trẻ em ở một xã miền núi còn nghèo, nhưng cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức của cộng đồng, sự nỗ lực vươn lên của cô và trò, tin chắc rằng các em sẽ đến trường trong tình thương và sự sẻ chia của toàn xã hội.