Nỗi niềm từ một điểm trường

08:38, 06/01/2012

Để việc học tập của con em trong xóm được thuận lợi hơn, năm 2009, người dân xóm Đồng Vòi, xã Dân Tiến (Võ Nhai) đã đóng góp sức, góp của để dựng lên điểm trường Đồng Vòi thuộc Trường Tiểu học Dân Tiến 1. Tuy nhiên, quá trình dạy và học vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nằm cách trung tâm xã khoảng 8 km đường đất đá,  Đồng Vòi là xóm còn nhiều khó khăn của xã Dân Tiến. Với 66 hộ, trên 300 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Cao Lan chiếm tới trên 90%, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, xóm còn có tới 70% là hộ nghèo. Khoảng 3 năm trở về trước, những đứa trẻ nơi đây cũng phải chịu nhiều thiệt thòi bởi thiếu chữ, xóm cách xa trường chính, giao thông đi lại khó khăn nhiều trẻ em trong xóm đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa được cắp sách đến trường. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng hàng năm tăng cao, học sinh bậc tiểu phải học nhờ nhà văn hóa của xóm. Để khắc phục tình trạng đó, đầu năm 2009, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu Trường tiểu học Dân Tiến 1 và các cấp liên quan, người dân trong xóm đã góp công, góp của để mua đất dựng nên các lớp học, tạo điều kiện cho con em trong việc học tập được thuận lợi hơn.

 

Ông Đàm Văn Mùi, Trưởng xóm Đồng Vòi cho biết: "Dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tinh thần ham học của con em trong xóm rất cao. Vì vậy, người dân trong xóm đã không tiếc tiền của, công sức để dựng nên điểm trường như bây giờ". Anh Ma Văn Giầu, phụ huynh của em Ma Văn Hưng, học sinh lớp 4 phấn khởi nói : “Mặc dù kinh tế gia đình còn khó khăn, lại là 1 hộ nghèo của xóm gần 6 năm nay nhưng khi được người dân trong xóm huy động đóng mỗi hộ đóng 300 nghìn đồng để xây dựng điểm trường phục vụ cho việc học tập của con em trong xóm, tôi đã không ngần ngại bán thóc, ngô và góp ngày công lao động để xây dựng điểm trường”.

 

Kể từ khi có điểm trường đóng trên địa bàn của xóm, thầy và trò nơi đây có được chỗ học ổn định hơn. Các em học sinh đã rút ngắn được đoạn đường đến trường, phụ huynh không phải đưa đi đón về như trước nữa. Điểm trường đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm, tăng tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi. Tuy nhiên đằng sau những niềm vui khi có điểm trường mới thì vẫn còn  đó vô vàn những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học...

 

Mặc dù mới được xây dựng nhưng hiện nay, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tại điểm trường này vẫn đang ở mức “báo động”. Điểm trường là 1 dãy nhà tạm bợ, gồm 5 phòng học, 1 phòng chờ của giáo viên được dựng lên bằng tranh tre nứa lá, xung quanh được trát bằng đất cao hơn 1 m, nằm trơ trọi giữa khoảng đất rộng chừng 300m2 , không cổng, không tường rào bao quanh. Mỗi phòng học rộng không quá 7m2, không thiết bị chiếu sáng, mỗi căn phòng chỉ đủ kê 2 đến 3 bộ bàn ghế và 1 chiếc bảng. Điểm trường có tổng cộng 6 giáo viên từ trường chính xuống dạy với trên 30 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Vào đầu mỗi buổi học, các thầy cô giáo thay nhau xách nước tưới nền nhà cho... đỡ bụi

 

Cô giáo Triệu Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dân Tiến 1 cho biết: “Các em học sinh nơi đây thiệt thòi hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa ở trường chính. Cơ sở vật chất đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý dạy và học. Mùa mưa thì sợ lốc bão rung giật đỏ nhà, tốc mái. Mùa rét thì cô trò phải ngồi trong hứng chịu những cơn gió lùa lạnh cắt da, cắt thịt. Khi giảng bài giáo viên không dám nói to sợ ảnh hưởng đến các lớp khác”.

 

Chúng tôi đem những khó khăn của thầy, trò nơi trao đổi với ông Hoàng Văn Chấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai, ông cho biết: Những năm qua do nguồn vốn của Phòng còn hạn chế nên việc đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa các trường học trên địa bàn còn ít, đặc biệt là các điểm trường lẻ. Khi nhận được đơn xin kinh phí để mở điểm trường tại xóm Đồng Vòi của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Dân Tiến 1, Phòng cũng chỉ biết đưa vào kế hoạch để chờ kinh phí từ trên. Còn ông Lường Huy Bắc, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho biết: Để có nguồn vốn xây dựng 1 điểm trường khang trang, sạch đẹp vẫn còn là một bài toán khó đối với chính quyền xã, do xã là 1 xã nghèo của huyện vẫn phải hưởng hỗ trợ của Nhà nước từ Chương trình 135. Trong những năm tới, xã sẽ cố gắng tìm cách khắc phục để điểm trường được cải thiện tốt hơn. Chúng tôi mong có sự quân tâm, đầu tư hơn nữa của các cấp, chính quyền và sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm.

 

Chia tay thầy, trò và những người dân nơi đây chúng tôi ra về mà không quên được những lời tâm sự từ đáy lòng của bà con xóm Đồng Vòi: “Khi đến một số trường khác về, nhìn thấy trường mình mà nghĩ thương cho con em trong xóm”.