Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong trường học có vai trò quan trọng nên thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường”.
Đề án này được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-UBND ngày 11-2-2010. Sở GD&ĐT được giao là đơn vị chủ trì, trực tiếp phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan thực hiện trong 2 năm 2011-2012.
Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả việc PBGDPL toàn diện trong nhà trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật và các hành vi chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, tăng cường việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học môn Giáo dục công dân (GDCD) và giáo dục pháp luật.
Ngay từ đầu năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT đã phối hợp tổ chức tập huấn các kiến thức pháp luật cho trên 250 giáo viên dạy môn GDCD trong các trường THCS, THPT và hơn 130 cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và chuyên viên văn phòng Sở. Cùng với đó, tổ chức nhiều buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề pháp luật cho giáo viên, học sinh một số trường trên địa bàn. Nội dung được tuyên truyền là Luật Giao thông đường bộ; phòng, chống ma túy; bảo vệ môi trường; quy chế thi và tuyển sinh… Từ nguồn vốn thực hiện Đề án, năm 2011, Sở GD&ĐT đã trang bị cho các trường trong tỉnh xây dựng tủ sách pháp luật (tổng trị giá hơn 440 triệu đồng). Sở Giáo dục cũng đẩy mạnh việc PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng như trang website của Sở GD-ĐT, Phòng Giáo dục, trường học trực thuộc.
Để truyền tải kiến thức giáo dục pháp luật tới học sinh, các trường đều lựa chọn hình thức tích hợp ở các bộ môn như Đạo đức (ở tiểu học), Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục quốc phòng, GDCD (ở THCS, THPT) lồng ghép phổ biến pháp luật vào các tiết chào cờ, giờ sinh hoạt lớp. Cùng với đó, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong đã tổ chức các hoạt động tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua sinh hoạt ngoại khóa, cụ thể bằng các hội thi; sân chơi rung chuông vàng, có sự phối hợp của lực lượng công an, cảnh sát giao thông... Cô Vũ Thị Ngọc Phan, Tổ trưởng bộ môn GDCD Trường THPT Phú Bình cho biết: Học sinh trung học ở giai đoạn, tâm sinh lý chưa ổn định nên dễ bị tác động, lôi kéo bởi những hành vi xấu, dẫn tới vi phạm pháp luật. Do đó, thông qua việc học tập và sinh hoạt ngoại khóa, các thầy cô sẽ định hướng, nâng cao nhận thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật cho các em. Để học sinh tiếp thu dễ dàng kiến thức pháp luật, chúng tôi sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, minh họa nhiều hình ảnh, dẫn chứng thực tế. Đồng thời, mỗi giáo viên luôn phấn đấu là tấm gương sáng về đạo đức, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để học sinh noi theo.
Nhờ những biện pháp tích cực nên nhìn chung công tác PBGDPL trong trường học năm 2011 trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả khả quan. 100% các trường đều xây dựng và phổ biến kế hoạch PBGDPL đến giáo viên, học sinh. Vì vậy, ý thức chấp hành pháp luật của giáo viên, học sinh được nâng lên, số vụ vi phạm pháp luật trong nhà trường được hạn chế. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Khắc Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Tiến (Phổ Yên) cho biết: Vào buổi chào cờ đầu tuần, nhất là tháng an toàn giao thông, thời điểm trước các kỳ thi, Nhà trường tổ chức cho học sinh nghe nói chuyện, xem các tiểu phẩm do chính các em tự biên tự diễn nói về các nội dung này. Cùng với đó, Đoàn thanh niên và Đội thiếu niên tiền phong của Trường đã tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa giúp các em tìm hiểu kiến thức về pháp luật. Vì vậy, năm học vừa qua, không có tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, cũng như giáo viên, học sinh bị xử lý vì vi phạm an toàn giao thông và các tệ nạn xã hội.
Mặc dù đã có những cố gắng nhưng công tác PBGDPL ở các trường học trong thời gian qua vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Trong Báo cáo sơ kết học kỳ I năm học 2011-2012, Sở GD&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế về công tác này. Cụ thể là giáo dục kỹ năng sống, cách xử sự có văn hóa trong giải quyết mâu thuẫn với bạn bè chưa được các trường học quan tâm triệt để. Hoạt động đội, đoàn còn mang tính phong trào, hiệu quả thấp, chưa tạo được sân chơi mang tính cộng đồng để gắn kết các em tạo ra một môi trường thân thiện có văn hóa trong sinh hoạt, học tập. Hiện tượng học sinh đánh nhau ở các nhà trường vẫn còn xảy ra, việc ngăn cản, xử lý học sinh vi phạm kỷ luật còn hạn chế. Dư luận chắc vẫn chưa quên sự việc cuối năm 2011, một nữ sinh lớp 10 của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đồng Hỷ do hiềm khích cá nhân nên đã bị 3 nữ sinh lớp 11 cùng trường chửi bới, đánh hội đồng đến ngất xỉu, rồi bị quay video clip tung lên mạng. Trong khi đó, hàng chục thanh niên chỉ đứng xem và cổ vũ cho nhóm nữ sinh này. Và mới đây nhất là vụ việc em Đặng Hồng Nam, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Cam Giá (T.P Thái Nguyên) bị một nhóm học sinh đâm thấu ngực phải, tổn thương sâu, rộng gây tràn máu nguy hiểm tính mạng. Những vụ việc trên, tuy chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh” nhưng gây tâm lý hoang mang và khiến người dân lo ngại trước nạn bạo lực học đường.
Để tránh được những sự việc đáng tiếc xảy ra cho học sinh từ nạn bạo lực học đường, thiết nghĩ, trong thời gian tới, các trường cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh, nhất là việc giáo dục kỹ năng sống, cách xử sự văn hóa trong giải quyết mẫu thuẫn với bạn bè. Bên cạnh đó, rất cần sự đồng thuận, thống nhất của cả gia đình và cộng đồng trong việc giáo dục, hình thành, phát triển nhân cách cho học sinh. Có như vậy mới xây dựng được một môi trường xã hội lành mạnh, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, giúp các em hình thành và phát triển toàn diện nhân cách.