Đai học Thái Nguyên với hợp tác Quốc tế

09:33, 21/02/2012

Là đại học vùng, có chức năng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và cả nước, hiện Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) có 8 trường thành viên, 2 khoa trực thuộc và 8 trung tâm, viện nghiên cứu.

Phần lớn các đơn vị thành viên ĐHTN đều có bề dày trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công tác hợp tác quốc tế (HTQT). Và để đáp ứng yêu cầu hội nhập, từ nhiều năm nay, ĐHTN luôn coi trọng nhiệm vụ HTQT thông qua các hoạt động liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên (GV), sinh viên (SV) và nhập khẩu các chương trình đào tạo tiên tiến của các nước đưa vào giảng dạy.

 

Với quan điểm chủ động tìm đối tác, từ tháng 5/2011 đến hết tháng 1/2012, Ban Giám đốc ĐHTN phối hợp với một số đơn vị thành viên tổ chức được 7 đợt công tác tại các nước: Lào, Trung Quốc, Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha để giao lưu học hỏi và quảng bá về năng lực đào tạo của ĐHTN. Qua đó, ĐHTN đã ký kết hợp tác đào tạo với 2 trường đại học của Lào ở bậc đại học, sau đại học theo phương thức phía Lào gửi SV, học viên sang học tập, nghiên cứu tại ĐHTN. Cùng với đó là hợp tác về việc trao đổi tài liệu giảng dạy, phối hợp lập dự án nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả 2 nước.

 

Ngoài ra, ĐHTN cũng tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống như Trung Quốc, Philippine trên nhiều lĩnh vực liên kết đào tạo quốc tế, nghiên cứu khoa học, trao đổi giao lưu SV. Đặc biệt, Giám đốc ĐHTN đã thoả thuận được với lãnh đạo các trường đại học Mongfort và Manchester Metropolitan (Anh Quốc); Trường Đại học Pacific Hawaii (Hoa Kỳ) về việc trao đổi giảng viên, sinh viên (SV). Qua đó, mở ra được nhiều hình thức mới về HTQT tế trong ĐHTN, như với Trường Đại học Pacific Hawaii, ngoài các hình thức hợp tác truyền thống là trao đổi SV và cán bộ giảng dạy, liên kết đào tạo, trao đổi chương trình giảng dạy tiên tiến, Trường Đại học Pacific Hawaii còn giúp ĐHTN trong việc bồi dưỡng cán bộ, giảng viên và SV tiếng Anh ngắn hạn; cùng tổ chức hội thảo hợp tác Việt - Mỹ trong giáo dục đại học; giữa 2 trường sẽ phối hợp giảng dạy trực tuyến cho SV.

 

Có thể nói, công tác HTQT ở ĐHTN đã có nhiều thành công. Năm 2011, ĐHTN và các đơn vị thành viên đã đón tiếp 705 lượt khách quốc tế đến thăm quan học tập kinh nghiệm. Nhiều nhất là Trường Đại học Nông lâm đón 260 lượt khách; Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh đón 94 lượt khách và Trường Đại học Y Dược đón 58 lượt khách. Cũng trong năm này, toàn ĐHTN đã có 210 lượt cán bộ, giảng viên ra nước ngoài tìm đối tác, trong đó có 88 lượt cán bộ, giảng viên đi thăm quan, đàm phán với các trường bạn về liên kết đào tạo, trao đổi cán bộ, giảng viên, SV và 80 lượt cán bộ, giảng viên đến các trường bạn nghiên cứu, học tập, còn lại là cán bộ, giảng viên ra nước ngoài tham dự các lớp tập huấn, hội thảo về kinh nghiệm quản lý, giảng dạy đại học, sau đại học.

 

Trong liên kết đào tạo quốc tế và tư vấn du học, đến nay, ĐHTN đã có 22 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trình độ đào tạo đại học và sau đại học. Các chuơng trình liên kết đào tạo quốc tế chủ yếu là với các trường đại học Southern, Batangas, Lagula... (Philippine); Daegu Cyber (Hàn Quốc) và các trường Đại học Tài chính Thượng Hải, Đại học Khoa học và Công nghệ Sơn Đông, Học viện Kỹ thuật nghề nghiệp hiện đại Quảng Tây (Trung Quốc) và một số trường đại học khác của Pháp, Mỹ, Úc...

 

Năm 2011, toàn ĐHTN cũng đã tiếp nhận 146 lượt SV nước ngoài tới học tập, trao đổi, giao lưu văn hoá và kinh nghiệm học tập. Thông qua hoạt động này, SV các trường của ĐHTN có điều kiện thực hành tiếng nước ngoài, qua đó nâng cao được khả năng sử dụng Ngoại ngữ trong giao tiếp. Cán bộ, giảng viên và SV của ĐHTN còn học tập được phương pháp làm việc nghiêm túc và phương pháp tư duy logic trong công việc, học tập và cách làm việc chủ động trong công tác từ phía bạn.

 

Hiệu quả từ HTQT đã góp phần khẳng định vị thế của ĐHTN trong nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và để đẩy mạnh, mở rộng quan hệ HTQT để nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao vị thế ĐHTN cũng như các đơn vị thành viên, trong những năm tiếp theo, ĐHTN tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình liên kết đào tạo, đặt mục đích giáo dục lên hàng đầu, chuẩn hoá các tiêu chuẩn đào tạo, nhất là với đầu ra. Củng cố các mối quan hệ hợp tác liên kết đào tạo với các trường đại học có quan hệ truyền thống như Trung Quốc, Philippine, Hàn Quốc và tích cực mở rộng HTQT với các trường đại học lớn của Mỹ, Anh, Úc... Cùng với đó, ĐHTN triển khai tốt việc nhập khẩu các chương trình đào tạo tiến tiến; tư vấn SV du học nước ngoài và thu hút SV quốc tế đến học tại ĐHTN để từng bước quốc tế hoá ĐHTN trong thời kỳ hội nhập.