Đăng ký chăm sóc các di tích lịch sử trên địa bàn, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đó là một trong những nội dung xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" trên địa bàn huyện Phú Bình.
Nằm trên địa bàn thị trấn Hương Sơn, nơi có Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ huyện, nên ngay từ khi công trình chuẩn bị hoàn thành (năm 2009), Trường THPT Phú Bình đã có công văn gửi UBND huyện về việc nhận chăm sóc Đền thờ để giáo dục truyền thống cho học sinh. Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bình Nguyễn Xuân Bách cho biết: Được UBND huyện đồng ý giao việc chăm sóc Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ cho thầy và trò nhà trường, chúng tôi rất phấn khởi, bởi đây là di tích mang tính giáo dục cao, giúp các thế hệ học sinh hiểu hơn về lịch sử truyền thống dựng nước, giữ nước của nhân dân cả nước nói chung, huyện Phú Bình nói riêng. Hàng tuần, hàng tháng, Trường phân công học sinh các lớp cử học sinh đến quét dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh quanh khu vực Đền thờ và theo yêu cầu của Ban Quản lý nhà Đền. Qua các buổi lao động này, giúp học sinh hiểu thêm về di tích, từ đó nâng cao trách nhiệm của tuổi trẻ trong công tác chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ và thêm tự hào về truyền thống quê hương.
Từ khi nhận chăm sóc Đền thờ đến nay, các đoàn viên thanh niên đã trồng được 100 cây xanh dọc đường lên và gần 2 nghìn cây trong khuôn viên Đền thờ. Vào những ngày lễ lớn của đất nước hay dịp bế giảng năm học, thầy và trò nhà trường đều tổ chức Lễ dâng hương, báo công kết quả học tập, công tác với các Anh hùng liệt sĩ. Trước anh linh các liệt sĩ, thầy và trò hứa quyết tâm học tập, công tác tốt, đền đáp công ơn các anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để có được cuộc sống hoà bình, no ấm hôm nay. Ngoài việc nhận chăm sóc Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ của huyện, hàng năm Nhà trường còn phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh tổ chức cho các em học sinh giỏi đi thăm Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), đền thờ Chu Văn An (Hải Dương)… để các em có hiểu thêm về lịch sử, truyền thống hiếu học của dân tộc.
Trong các giờ học ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân… giáo viên đều lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu về các di tích lịch trên địa bàn. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập trường (20/11/2011), Trường tổ chức cuộc thi tìm hiểu về truyền thống quê hương, về thầy cô - mái trường, về Mẹ Việt Nam Anh hùng, cảm nhận cuộc sống… với trên 1.600 bài viết có chất lượng, góp phần kích thích tư duy, óc sáng tạo của học sinh. Qua thực hiện các hoạt động trên, thầy cô và các bậc phụ huynh đều có chung nhận xét: học sinh có ý thức hơn, ngoan hơn, hiện tượng đánh nhau giảm hẳn…
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã đến Trường THCS Kha Sơn- xã có nhiều di tích lịch sử, đình, chùa được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia. Trên địa bàn xã hiện có 6 di tích chính: chùa Ca (Kha Sơn Hạ), chùa Mai Sơn, Đình Kha Sơn Thượng, Rừng Muối, Rừng Rác, Nền nhà ông Cao Nhật. Em Nguyễn Thị Thuỳ, học sinh lớp 9A, Trường THCS Kha Sơn cho biết: Trong những tiết học môn Lịch sử, chúng em được các thầy cô giáo giới thiệu về di tích lịch sử ở địa phương, nhất là những di tích được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia. Lễ hội Rằm tháng Giêng, Ngày giành Chính quyền cách mạng (14-3) hằng năm, chúng em đều được tham gia, qua đó chúng thêm hiểu về truyền thống lịch sử nơi mình sinh ra và lớn lên. Vào các ngày lễ lớn trong năm như: 19/5, 26/3, 22/12… Trường còn mời các bác lão thành cách mạng đến nói chuyện truyền thống, giao lưu với học sinh, với những câu hỏi về lịch sử Thái Nguyên, lịch sử địa phương.
Cô giáo Lê Thị Thu Ái, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kha Sơn cho biết thêm: Để giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh, Trường giao cho Đội Thiếu niên Tiền Phong nhận chăm sóc, dọn vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ của xã. Hàng năm, Trường đều tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho học sinh các lớp đến thăm, tìm hiểu các di tích lịch sử đã được xếp hạng như Chùa Ca (di tích lịch sử cấp quốc gia), Chùa Mai Sơn (di tích lịch sử cấp tỉnh)… sau đó yêu cầu các em viết cảm tưởng, suy nghĩ của mình nộp cho giáo viên chủ nhiệm. Các giáo viên sẽ lựa chọn những bài viết hay, có cảm xúc để đọc vào giờ chào cờ thứ hai hàng tuần vừa để khen thưởng, động viên học sinh, vừa để các em tham khảo, tư duy trước sự vật, hiện tượng…
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Quang Xuân, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 69 di tích, trong đó có 8 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 40 di tích xếp hạng cấp tỉnh (trong đó có cụm di tích Kha Sơn với 7 điểm di tích). Các di tích nằm rải rác ở các địa phương và đều được xã, trường học nhận quản lý, chăm sóc, bảo vệ rất tốt. Qua hoạt động này, thế hệ trẻ có điều kiện hiểu biết thêm về lịch sử, nguồn gốc hình thành các di tích, quá trình dựng nước, giữ nước của cha ông ta và những nét đẹp truyền thống của đình, đền, chùa nơi mình sinh sống, từ đó có ý thức gìn giữ, bảo vệ… góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau.