Những ngành học hút thí sinh nhất

10:49, 06/02/2012

Kết quả tuyển sinh ba năm gần nhất cho thấy nhóm ngành kinh doanh vẫn là nhóm ngành chiếm thứ hạng cao nhất trong sự lựa chọn của thí sinh.

Thí sinh chuộng kinh doanh

 

Kết quả tuyển sinh ba năm gần nhất cho thấy nhóm ngành Kinh doanh vẫn là nhóm ngành chiếm thứ hạng cao nhất trong sự lựa chọn của thí sinh. Năm 2011, có 10,98% thí sinh dự thi vào nhóm ngành kinh doanh , trong khi đó năm 2010, tỉ lệ này là 12,4%.

 

Nhóm ngành kén thí sinh nhất là Y học năm 2011 đã nhảy lên vị trí thứ 7, tăng 1,2 lần so với năm 2010. Nhóm ngành chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống đã lên tới vị trí thứ 8 năm 2011 so với vị trí 17 năm 2010.

 

Ngành Kế toán - kiểm toán có 8,4%-9,0% thí sinh dự thi; ngành Luật có 2,8%-3,0% thí sinh dự thi.

 

Cùng với quản trị kinh doanh, ngành công nghệ thông tin mặc dù nằm trong tốp 5 ngành học được thí sinh lựa chọn nhiều nhất nhưng đang có xu hướng giảm từ năm 2009 đến 2011.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thì ngành Ngân hàng vốn được cho là ngành hấp dẫn cũng có vẻ đã bão hòa. Theo công bố thông số nhân lực trực tuyến quý 3/2010 của Vietnamworks - nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến thì nhu cầu của ngành Ngân hàng giảm 14%. Vietnamworks dự báo các nhóm ngành khối Kinh tế, Ngân hàng sẽ bão hòa và rất khó khăn khi tìm việc trong vòng 4-5 năm nữa. Lúc ấy, ngành này sẽ cần nhân lực chất lượng cao là chính.

 

Do vậy, thí sinh thi đại học phải đặc biệt chú ý xem ngành mình lựa chọn có dễ kiếm việc làm trong vòng 4-5 năm tới, tức là sau khi thí sinh đó tốt nghiệp thì ngành mình học còn “hot” hay không.

 

Khối ngành học nào khó chọi?

 

Trong khi các khối ngành như Y- Dược, Ngoại thương, Tài Chính - Ngân hàng - Kinh tế tỉ lệ “chọi” không cao, nhưng lại quy tụ nhiều “cao thủ”.

 

Năm 2011, thống kê của Bộ GD-ĐT tính đến ngày 3/8 có 327 thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên. Trong đó, có tới 183 em đạt 28 điểm trở lên thuộc khối Y-Dược (chiếm hơn 50%), 59 em thuộc khối Ngoại thương, 38 em thuộc khối Tài Chính - Ngân hàng - Kinh tế.

 

Một điều cần lưu ý thêm là chỉ tiêu dành cho khối A năm 2011 cao nhất (132.402 chỉ tiêu, chỉ tiêu xét tuyển là 24.876). Tiếp đến là chỉ tiêu dành cho khối D (41.960, chỉ tiêu xét tuyển là 14.284). Chỉ tiêu cho khối B là 26.175 (chỉ tiêu xét tuyển là 3.396). Chỉ tiêu khối C là 20.008 (chỉ tiêu xét tuyển là 3.500).

 

Tổng chỉ tiêu xét tuyển của các trường ĐH có tổ chức thi là 234.794 chỉ tiêu, chỉ tiêu các trường ĐH xét tuyển là 48.591.

 

Năm 2011, cả nước có 1,5 triệu hồ sơ đăng kí thi đại học và gần 500.000 hồ sơ thi cao đẳng. Số lượng hồ sơ đăng kí dự thi khối A chiếm đến 55,2%, (gần 1,1 triệu), đứng thứ hai là khối B với 381.503 hồ sơ, chiếm 19,4%. Khối D có tổng số 304.480 hồ sơ, chiếm 15,5%. Khối C có 125.264 hồ sơ (chiếm 6,40%). Các khối khác chiếm 3,50% với tổng số 68.768 hồ sơ.