Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm. Quy định này đã được Bộ ban hành từ lâu và mỗi năm lại có sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn, nhưng hiệu quả thực tế vẫn không như mong đợi.
Dự thảo vẫn nhiều kẽ hở
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Dân lập Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội), việc dạy thêm, học thêm hiện nay là một nhu cầu có thật. Cha mẹ muốn con mình giỏi, học sinh muốn học thêm để nâng cao kiến thức. Vì thế, không thể cấm tuyệt đối dạy thêm.
Tuy nhiên, không ít nhà trường, giáo viên lại lợi dụng điều này để ép học sinh học thêm, dù không bổ trợ được kiến thức, và đó là thực trạng cần chấn chỉnh.
“Nhưng ở dự thảo lại chưa bao quát được thực tế,” ông Lâm nhận định.
Cụ thể, ở tiểu học, phải nói rõ không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất cứ hình thức nào. Hiện nay, Bộ vẫn cho phép giáo viên được giữ con hộ. Giữa giữ với dạy thêm không khác nhau là mấy. Nếu muốn phục vụ nhu cầu trông con và dạy các môn phụ như kỹ năng sống… vào cuối tuần thì phải do trường đứng ra tổ chức.
Đối với trung học cơ sở, phổ thông trung học, phải chống được tình trạng thầy cô gò ép học sinh đến nhà hoặc các lớp bên ngoài trường để dạy. Có thể thực hiện bằng cách quy định thầy cô không được dạy thêm học sinh của mình.
Về quy định giáo viên phải báo cáo việc dạy thêm với tổ dân phố và tổ dân phố, phường xã kiểm tra hoạt động dạy học tại nhà của giáo viên, ông Lâm cho rằng rất khó khả thi nếu không trở thành quy chế chặt chẽ của Nhà nước. “Chỉ là đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì rõ ràng không có sức nặng,” ông Lâm nhận định.
Nhìn từ góc độ một Tiến sĩ Tâm lý học, theo ông Lâm, việc dạy thêm, học thêm tràn lan không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn khiến cho học sinh trở nên lười biếng, thiếu tự tin vào bản thân, phụ thuộc vào thầy cô và thui chột khả năng tự học.
“Bên cạnh quy chế về dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên phát động rộng rãi việc tự học cho trong học sinh, sinh viên. Đó là cách học tích cực nhất,” ông Lâm đề xuất.
Học thêm vì… lý do tế nhị
Bộ vẫn ra hàng loạt các quy định, các chuyên gia phản hồi rất nhiều ý kiến, tuy nhiên, với các bậc phụ huynh, dù Bộ có hoàn thiện hơn nữa dự thảo thì điều này cũng chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa” bởi họ vẫn phải cho con đi học thêm như thường vì những lý do… tế nhị.
Chị Nguyễn Thị Hồng (Gia Lâm, Hà Nội) cười buồn kể, sau một học kỳ kiên quyết “nói không” với việc học thêm, cô con gái học lớp 4 về thủ thỉ: “Có lẽ, con phải đi học thêm mẹ ạ.” Lý do là không học thêm, các bài kiểm tra của con chỉ đạt 7, 8 điểm và luôn được cô nêu tên trong “bảng vàng.”
Giống như chị Hồng, cô Tạ Thị Bích Vân, giáo viên trường Trung học phổ thông Dân lập Đinh Tiên Hoàng cũng phải cho con đi học thêm, dù “không được gì” và “không cần thiết.”
Đứng chờ cháu trước cổng trường Tiểu học Cát Linh, một phụ huynh bức xúc: “Cháu tôi mới học lớp 1 nhưng cứ sáng thứ 7 và chiều chủ nhật bố mẹ lại phải chở đến nhà cô giáo chủ nhiệm học thêm. Tôi không hiểu lớp 1 thì học thêm cái gì khi cả tuần cháu đã học ngày hai buổi ở trường.”
Theo ông Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Linh, vấn đề dạy thêm của giáo viên luôn được nhà trường quán triệt sâu sắc. Từ đầu năm học, các giáo viên đều cam kết không tổ chức dạy thêm học thêm. Trường cũng không nhận được đề nghị mở lớp dạy thêm của giáo viên nào.
Tuy nhiên, ông Hợp cũng thừa nhận, có thể quản lý việc dạy thêm của giáo viên ở trường, còn nếu giáo viên tổ chức ở nhà thì rất khó.
Chỉ chờ vào “tâm” của người thầy
Theo cô Bích Vân, việc các giáo viên nói lương thấp nên phải tìm cách ép học sinh học thêm chỉ là bao biện. Đời sống giáo viên tuy không dư giả, giáo viên có thể dạy thêm nhưng chỉ có thể là những buổi dạy thêm chính đáng.
“Tôi dạy thêm cho học sinh lớp 12 của trường, mỗi buổi chỉ được khoảng 170.000 đồng cho hai tiết học. Nhưng các giáo viên dạy tiểu học, học phí 40.000 – 50.000 đồng/học sinh, mỗi buổi thu đến hàng triệu đồng là rất vô lý,” cô Vân chia sẻ.
Theo đó, cô Vân cho rằng, để hạn chế dạy thêm học thêm tràn lan, điều quan trọng nhất là ở chữ tâm của người thầy. Nhà trường không thể quản lý khi giáo viên dạy ngoài trường, địa phương tham gia kiểm tra giám sát cũng chỉ là giải pháp đối phó, còn phụ huynh không dám có ý kiến vì lo con bị trù dập.
Đây cũng là chia sẻ của thầy Đỗ Quang Hợp: “Để ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm, thì một là phụ huynh nếu thấy con mình không cần thì không nên cho đi học thêm, thứ hai là thầy cô giáo phải nghiêm túc, có tâm".