Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều người có thể trì hoãn việc sắm ô tô mới, hay thôi không đi ăn nhà hàng. Nhưng họ vẫn làm gần như tất cả mọi thứ để tránh ảnh hưởng đến con cái.
Theo nghiên cứu năm 2011, một gia đình trung lưu ở Mỹ (thu nhập từ 57.000 đến 100.000 USD/năm) thường chi hết 286.860 USD để nuôi con trong 17 năm. Với gia đình có thu nhập cao hơn 100.000 USD/năm, mức chi tiêu là gần 500.000 USD cho một đứa con, chưa tính đến chi phí học đại học.
Mặc dù mức chi cho tiêu dùng đã giảm ở mọi lĩnh vực, nhưng các gia đình vẫn tiếp tục rộng rãi với con cái. Nhìn chung mức chi cho trẻ em đã tăng 66% trong 10 năm qua, chủ yếu do chi phí chăm sóc và trường học tăng. Nhưng không chỉ có thế, các bậc phụ huynh vẫn chi tiêu tăng ở mọi thứ. Năm ngoái, thị trường hàng hoá cho trẻ em, bao gồm mọi thứ từ gấu bông cho đến bàn thay tã, đã tăng 5% lên mức 18 tỷ USD.
Liệu như vậy có đáng giá hay không? Mong muốn được cho con cái những tốt đẹp nhất là điều ăn sâu vào suy nghĩ của mỗi bậc cha mẹ. Việc đầu tư cho con cái dường như là ưu tiên hàng đầu. Với những gia đình có điều kiện, chuyện thuê riêng người giữ trẻ, học trường mẫu giáo tư, tham gia chương trình học ngoại khoá đắt tiền là những điều không thể không có.
Có nhiều trường hợp những khoản đầu tư này hoàn toàn là do điều kiện của bố mẹ chứ không phụ thuộc vào mong muốn hay nhu cầu của bọn trẻ. Tuy nhiên, nhiều gia đình luôn vướng vào tranh cãi về các chủ đề: thuê người giữ trẻ hay gửi mẫu giáo, trường công hay trường tư, học thêm nhiều môn hay cho trẻ tự do. Và mặc dù những nghiên cứu về các chủ đề này thường không có kết luận rõ ràng nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy thời thơ ấu hạnh phúc nhất cần phải chi nhiều tiền nhất.
Có rất ít bằng chứng cho thấy thời thơ ấu hạnh phúc nhất cần phải chi nhiều tiền nhất
Kerry và chồng cô, Joe, đã làm việc rất chăm chỉ để cho cô con gái 6 tuổi của họ mọi thứ: trường mẫu giáo 5000 USD/năm, học bơi 144 USD/tháng, học múa 1.200 USD/năm, trại hè 6.500 USD, chưa kể chi phí 30.000 USD/năm cho người giữ trẻ để Kerry có thể đi làm. Cả hai vợ chồng kiếm được tới 200.000 USD/năm, mức thu nhập cao trong xã hội Mỹ, nhưng họ vẫn cảm thấy không thoải mái. “Chúng tôi còn phải lo cho con gái có được những điều kiện tốt nhất trong nhiều năm tới”.
Tuy nhiên, theo những chuyên gia về phát triển trẻ em, phần nhiều những thứ trẻ con cần không quá tốn kém. Tác giả cuốn sách “Cách nghĩ mới về trẻ em” nói: “Bố mẹ dốc tiền bạc ra cho con cái và nghĩ mọi người khác cũng đều đang làm như vậy. Chúng tôi không nói đến những phụ huynh rất giàu có mà chúng tôi nói về những ông bố bà mẹ bình thường, những người không chi nhiều tiền như vậy cho bản thân mình, hay không được chi như vậy khi họ còn nhỏ. Giờ đây họ sẵn lòng dốc tài khoản để chi trả cho con cái”.
Tỷ lệ chi trong ngân sách gia đình cho chăm sóc và giáo dục con cái đã tăng từ 2% lên 17% trong 50 năm qua. Tuy nhiên, có một phần là do đa số phụ nữ ngày nay đi làm thay vì ở nhà chăm sóc con cái.
Giáo sư tâm lý học Carol S. Dweck của trường ĐH Stanford, tác giả cuốn “Bí mật nuôi dạy con thông minh” cho biết việc dạy con cái biết tầm quan trọng của sự chăm chỉ nỗ lực là lá bài quyết định sự thành công trong cuộc sống, chứ không phải là sự thông minh bẩm sinh. Theo một nghiên cứu năm 2010 của trường ĐH Nevada, những đứa trẻ sống trong những ngôi nhà đầy sách vở thường học giỏi hơn, không tính đến nền tảng giáo dục và việc làm của bố mẹ.
Neil Gussman từ Lancaster và vợ anh Annalisa Crannell, đang cố gắng đi ngược lại áp lực làm cha mẹ thời hiện đại. Họ mở một blog có tên gọi Miser Mom và kể đầy tự hào về những kinh nghiệm tiết kiệm của họ trong nuôi dạy con cái. Với tổng thu nhập hơn 160.000 USD, họ đủ sức gửi hai con trai 11 và 12 tuổi đến trường tư ở Lancaster. Nhưng con trai họ vẫn đi học trường công và quần áo cũng như đồ chơi của chúng chủ yếu từ những chợ đồ cũ họp cuối tuần.
Thay vì cho con đi học trường mẫu giáo đắt tiền, Gussman cho biết anh đọc sách cho chúng nghe mỗi tối. Anh tin rằng thế là đủ. “Nhiều ông bố bà mẹ muốn con họ có mọi thứ mà họ có thể, và họ không muốn cảm thấy tội lỗi vì đã không đáp ứng chúng mọi thứ. Chúng tôi có quan điểm hoàn toàn ngược lại”.