Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012: Những điều không được quên

08:54, 31/05/2012

Trong ba ngày 2, 3 và 4-6, gần một triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Với số lượng thí sinh (TS) lớn nhất trong các địa phương, Hà Nội đã chuẩn bị khá chu đáo về mọi mặt để tổ chức một kỳ thi nghiêm túc mà không gây căng thẳng.

Giám thị coi thi: Quán triệt "ba không"

 

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo và kiểm tra các kỳ thi của TP năm 2012 Nguyễn Thị Bích Ngọc, tinh thần xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, tổ chức khâu coi thi là nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho TS, tạo mọi điều kiện tốt nhất để TS phát huy năng lực. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để kết quả thi phản ánh thực chất chất lượng giáo dục, là căn cứ để các cấp quản lý kịp thời điều chỉnh trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức triển khai các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học ở các nhà trường trên địa bàn TP. Bởi thế, một trong những khâu được đặc biệt coi trọng là coi thi.

 

Tại hội nghị triển khai công tác coi thi vừa diễn ra vào đầu tuần này, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã quán triệt tầm quan trọng của công tác coi thi tới 149 chủ tịch hội đồng coi thi (HĐCT). Với quy mô của một kỳ thi quốc gia, việc được trao quyền tự chủ, không có sự giám sát của Thanh tra Bộ GD-ĐT đòi hỏi địa phương phải xác định rõ quyết tâm, trách nhiệm. Yêu cầu đặt ra với các HĐCT là nghiêm túc, tránh gây căng thẳng không đáng có nhưng kiên quyết không lơi lỏng kỷ luật trường thi.

 

Yêu cầu của Giám đốc Sở GD-ĐT với các giám thị khi coi thi là phải quán triệt "ba không" để HS không muốn, không dám và không thể vi phạm quy chế thi, hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm của TS. Theo đó, các thầy, cô giáo phải giáo dục ý thức tự giác, lòng tự trọng của HS Hà Nội để các em không muốn vi phạm quy chế; nghiêm khắc xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm để TS không dám vi phạm; nhắc nhở, phổ biến kỹ các quy định liên quan đến kỳ thi và chủ động các phương án phòng ngừa để TS không thể vi phạm quy chế thi.

 

Ôn tập bài kỹ sẽ giúp các thí sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

 

TS dự thi: Những điều không được phép quên

 

Một trong những điểm mới trong quy chế thi của Bộ GD-ĐT là TS đến chậm chưa quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài vẫn được phép vào thi nhưng bị lập biên bản. Trước đây, TS đến muộn ngay sau khi có hiệu lệnh là không được thi. Quy định lùi thời gian cho phép TS đến muộn được vào phòng thi là nhằm tạo thuận lợi hơn cho TS, song theo ý kiến của các thầy, cô giáo, các em không nên vì thế mà chủ quan. Việc bị lập biên bản gây tốn thời gian, dễ khiến các em mất bình tĩnh khi làm bài, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các TS khác trong phòng thi. Vì vậy, TS cần loại trừ các nguyên nhân có thể làm muộn giờ thi như sự cố giao thông, đường xa, mưa bão… Vì kỳ thi tổ chức theo hình thức liên trường nên nhiều TS có thể không được dự thi ở trường mình đang học, nên cần tìm hiểu kỹ về quãng đường, thời gian đến địa điểm đặt HĐCT… trước ngày kỳ thi diễn ra để lường trước mọi bất thường.

 

Điều tiếp theo cần nhớ là không được mang theo tài liệu, vật dụng trái quy định vào phòng thi. Theo quy chế, nếu TS vi phạm (kể cả đã sử dụng hoặc chưa sử dụng) sẽ bị đình chỉ thi và hủy kết quả của cả kỳ thi. Đây là quy định luôn được các thầy, cô giáo phổ biến kỹ với TS ở trường và nhắc lại trước mỗi buổi thi, song hầu như năm nào cũng có TS mắc lỗi. Phổ biến nhất là lỗi mang điện thoại di động vào phòng thi. Ở kỳ thi năm 2011, tại một HĐCT của Hà Nội, khi chỉ còn vài phút nữa là hết giờ làm bài, có một TS đã bị đình chỉ và hủy kết quả kỳ thi một cách đáng tiếc bởi tiếng chuông điện thoại báo thức phát ra trong túi. TS này đã không để ý lời nhắc nhở của giám thị trước khi vào phòng thi. Em không ngờ rằng máy vẫn để chế độ báo thức.

 

Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn sẽ bao gồm phần chung và phần riêng (phần tự chọn). Phần chung là phần bắt buộc phải làm đối với mọi TS. Đối với phần tự chọn, TS chỉ được chọn làm một trong hai phần. Nếu làm cả hai phần tự chọn thì TS không được chấm điểm bài làm của cả hai phần này. Quy định ấy đòi hỏi TS cân nhắc kỹ trước khi quyết định làm phần tự chọn nào cho phù hợp với khả năng của mình để có kết quả tốt nhất.

 

Thẻ dự thi và các đồ dùng học tập là những thứ mà TS cần chuẩn bị đầy đủ, luôn mang theo bên mình ở tất cả các buổi thi. Các kỳ thi trước, đã có TS vì quên thẻ mà không được vào phòng thi, hoặc sử dụng sai loại bút. Theo quy chế, TS chỉ được viết bằng một thứ mực (không dùng mực đỏ), nếu viết hỏng phần nào thì dùng thước gạch chéo phần đó, không được tẩy, xóa. Riêng với bài thi trắc nghiệm, TS tô bằng bút chì đen vào các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời.