Nhiều bậc cha mẹ vẫn cho con đi rèn chữ viết đẹp tự bậc mẫu giáo, trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, tác hại của việc này ra sao, không phải bậc cha mẹ nào cũng biết.
Nhiều cha mẹ mong muốn con mình khi bắt đầu vào lớp 1 đã có thể viết thành thạo và chữ phải đẹp, muốn con mình không bị chậm so với bạn bè. Do đó, đã có nhiều bậc cha mẹ ép các bé phải rèn chữ từ lúc còn bé (mới 3 đến 5 tuổi).
Theo thạc sĩ Lê Minh Công, phó trưởng khoa tâm lý lâm sàng, bệnh viện Tâm thần TW2, TP.HCM: Trước tuổi đến trường (6 tuổi) khả năng vận động tinh (là những vận động tinh tế như cầm bút, đồ vật, sử dụng kéo…) của trẻ đang trong quá trình hoàn thiện. Khớp xương cổ tay, xương ngón tay của trẻ chưa tốt, không thể uốn các nét chữ được.
Ở lứa tuổi này, khả năng tập trung của trẻ chưa cao. Tất cả những việc diễn ra xung quanh đều có thể khiến trẻ bị phân tán tư tưởng.
Trong khi đó, tập viết chữ đòi hỏi sự tập trung, chú ý cao độ với những yêu cầu vượt quá khả năng của trẻ như cầm bút đúng cách, ngồi đúng tư thế. Do đó, cố bắt ép trẻ gò chữ chẳng có tác dụng gì. Ngược lại, nó có thể gây ra hàng loạt những sự cố ngoài ý muốn của người lớn.
Do tính hiếu động, hoạt bát, trẻ dễ nản lòng với những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo như viết chữ. Càng bắt trẻ ngồi gò chữ, trẻ càng dễ chán và sợ các giờ học viết chữ hơn. Hậu quả, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý, gây hại cho khả năng học tập của trẻ về sau mà có thể gây ra những biến dạng về mặt sinh học đối với cơ thể trẻ.
Thạc sĩ Công đã phải điều trị cho em bị rối loạn về kỹ năng viết, kỹ năng học tập do bị ép rèn chữ sớm.
“Việc ép con rèn chữ chỉ giúp thỏa mãn cho bố mẹ chứ không phải cho chính đứa trẻ”, thạc sĩ Công cho biết.
Ngoài ra, ở độ tuổi này, xương các bé còn rất non. Việc ngồi gò theo những nét chữ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, rất dễ gây vẹo cột sống, vẹo xương ngón tay…
Trước khi vào lớp một, trẻ chỉ cần được làm quen với cách cầm bút và sự khéo léo trong việc sử dụng các vật có trong tay. Quá trình này nên được hiểu là để chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi bước vào đi học.
Bà Trần Thị Thúy, Giám đốc trung tâm rèn chữ đẹp Nét Việt (Q.1 TP.HCM) cho biết: “Việc dạy viết chữ đẹp phải hướng các em đến với những cảm xúc từ chữ viết do mình viết ra. Lúc đầu, trung tâm cũng đã có nhận những em chưa vào lớp một vì “nể nang”, nhưng sau đó, trung tâm thấy khả năng viết chữ của các em hạn chế, nên trung tâm không nhận, đồng thời tư vấn cho các bậc phụ huynh cân nhắc khi cho con em mình đến học”.
Theo một số chuyên gia giáo dục tiểu học, người lớn vẫn có thể xây dựng và nuôi dưỡng hứng thú học tập cho trẻ bằng cách lợi dụng những trò chơi phù hợp với lứa tuổi như tô màu, vẽ hình đơn giản…Khi bé đã quen với việc cầm bút, bạn có thể cho trẻ tập viết chữ cái hoa hoặc chữ thường với khổ chữ lớn nhằm mục đích chính là giúp bé nhận mặt chữ.