Một trong những sự kiện được dư luận quan tâm trong tuần qua là việc Bộ GD-ĐT chính thức ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm (DTHT). Với nhiều nội dung được điều chỉnh so với quy định cũ (ban hành năm 2007), đây có phải là "liều thuốc" hữu hiệu để điều trị những tiêu cực trong dạy và học từng khiến dư luận bức xúc?
Chấm dứt học thêm tiểu học
Theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT (Thông tư) của Bộ GD-ĐT, đến ngày 1-7-2012, quy định về DTHT mới có hiệu lực. Nhưng ngay sau khi được công bố, nó đã "hâm nóng" sự chú ý của dư luận. Điểm mới được đặc biệt quan tâm tại thông tư này là quy định không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ ba trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng sống. Như vậy, những hình thức như quản lý HS ngoài giờ, phụ đạo cho HS yếu kém, luyện tập kỹ năng đọc, viết cho HS… từ nay sẽ rơi vào "tầm ngắm" của cơ quan quản lý.
Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm? Theo quy định cũ, hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm kiểm tra hoạt động DTHT trong, ngoài nhà trường của cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên. Đây từng được coi là nhiệm vụ bất khả thi đối với hiệu trưởng vì không thể kiểm soát việc dạy thêm ngoài nhà trường của vài chục giáo viên trong đơn vị. Nay, theo thông tư mới, trách nhiệm này được giao cho chính quyền địa phương. Cụ thể, UBND cấp huyện có trách nhiệm cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT hoặc ủy quyền cho phòng GD-ĐT theo quy định của UBND cấp tỉnh, đồng thời quản lý hoạt động DTHT trên địa bàn. Chính quyền địa phương cũng là nơi được giao trọng trách xử lý khi phát hiện sai phạm.
Với những điều chỉnh theo hướng sát với thực tế, đây được coi là "liều thuốc" hữu hiệu tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động DTHT. Hiệu trưởng nhà trường có thể không nắm được việc dạy thêm của cán bộ, GV, nhân viên bên ngoài nhà trường, nhưng chính quyền địa phương thì khó có thể nói "không" khi có người tổ chức hoặc dạy thêm cho HS trên địa bàn. Tuy nhiên, theo bật mí của một cô giáo tiểu học, nếu nhận được sự đồng thuận của phụ huynh thì việc "biến báo" để lách luật cũng không quá khó. Ai có thể kiểm soát được các nhóm, lớp DTHT nhỏ lẻ dưới danh nghĩa dạy cho con, cháu… Rõ ràng là để quy định đi vào thực tiễn, cần sự chung tay của tổ trưởng dân phố, trưởng cụm dân cư, công an khu vực, đại diện các tổ chức, đoàn thể…
Vẫn khó kiểm soát
Nhiều người có nhu cầu thật sự, muốn con cái được học thêm để bồi dưỡng kiến thức, song cũng rất nhiều người muốn con học thêm môn này, môn khác theo phong trào, bất luận con có theo được hay không; lại không hiếm người sợ con bị thầy, cô để ý trên lớp chính khóa nên cứ ghi danh, nộp tiền học thêm đầy đủ, nhưng đi học thì lõm bõm, buổi có buổi không. Không phải ai cũng dễ dàng chia sẻ, nhưng có lẽ là suy nghĩ chung của hầu hết các ông bố, bà mẹ có con đang ở độ tuổi học phổ thông, là chẳng nên mạnh miệng về việc này.
Trả lời báo chí về việc quản lý thế nào đối với tình trạng GV ép buộc HS học thêm để thu tiền, nếu không học thì bị trù dập, điểm kém, ông Vũ Đình Chuẩn (Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT) cho biết: Bộ GD-ĐT không thể cấm GV không được dạy thêm đối với HS mình đang dạy chính khóa, bởi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của HS khi các em có nhu cầu chính đáng được theo học những thầy, cô giáo giỏi. Để hạn chế tình trạng GV bắt buộc HS phải theo học mình, thông tư quy định GV không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được phép của hiệu trưởng.
Như vậy, việc cho phép GV có được dạy HS của mình hay không là quyền của hiệu trưởng. Thực tế, dù có quy định không ép buộc HS học thêm, nhưng nếu GV đã mở lớp thì hầu hết phụ huynh đều gửi con đến học, vừa mong con tiến bộ, vừa để không mất lòng thầy, cô.
Quy định cha mẹ HS thỏa thuận mức thu tiền học thêm với nhà trường hoặc với tổ chức, cá nhân dạy thêm trong thông tư cũng thu hút nhiều ý kiến ngay khi còn là dự thảo. Thu, chi tài chính vốn là vấn đề nhạy cảm, động chạm đến nhiều người, vì thế, cần chỉ rõ đối tượng đứng ra thỏa thuận với nhà trường là ban đại diện cha mẹ HS của lớp, của trường hay là đại diện cha mẹ HS có con học thêm? Việc thỏa thuận mức thu tiền học thêm dựa trên những căn cứ nào?... Công khai, minh bạch những điều này chính là giúp cho việc quản lý DTHT hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng phải đóng tiền học thêm "tự nguyện" - một biểu hiện tiêu cực khá phổ biến hiện nay.