Có chất lượng đầu vào cao trong mỗi mùa tuyển sinh, ngành báo chí vẫn được coi là "hot" trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên làm đúng nghề sau khi tốt nghiệp ngày càng giảm đi. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó, công tác đào tạo trong các "lò đào tạo" báo chí được đề cập nhiều nhất.
Chọn nghề hay nghề chọn?
Dẫu không đứng ở vị trí "đỉnh" song ngành báo chí từ nhiều năm nay luôn là ngành học có điểm đầu vào khá cao, là sự lựa chọn của nhiều học sinh có học lực tốt. Kỳ tuyển sinh năm 2011, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có điểm chuẩn từ 18 đến 22 cho các chuyên ngành báo chí. Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn khối C vào ngành này cao nhất trường với 20 điểm, khối D là 18 điểm. Tương tự, trong nhiều năm liền, ngành báo chí - truyền thông của ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vẫn là ngành có điểm chuẩn cao nhất trường, năm 2012 là 19,5 điểm.
Tuy nhiên, sau khi ra trường, tỷ lệ sinh viên báo chí làm đúng nghề ngày càng thấp. Nếu như cách đây 20 năm, hai khóa đầu tiên vào khoa báo chí - truyền thông Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) có tới trên 80% sinh viên làm việc trong làng báo, thì tỷ lệ này nay đã thấp hơn nhiều. Điều đáng nói, theo các nhà tuyển dụng số sinh viên đáp ứng được yêu cầu công việc còn ít.
Theo ông Đinh Hường, Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), có sự đào thải và chọn lọc rất lớn trong nghề này. Đầu vào là một chuyện, còn trong quá trình học tập có người bộc lộ khả năng làm báo, có người không theo được. Vì vậy, số ra làm báo được khác xa với số lượng tuyển vào đào tạo. Có người đạt điểm số cao trong quá trình học, được nhận bằng giỏi, xuất sắc nhưng ra làm báo lại không giỏi; ngược lại, có người học bình thường nhưng ra trường lại phát huy rất tốt. Ông Đinh Hường nói: Khi học thì mình chọn nghề, nhưng ra làm việc thì nghề chọn mình. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản là nhiều sinh viên không có hiểu biết sâu về nghề báo, dự thi theo phong trào, theo cảm hứng. Ngoài ra, quá trình đào tạo còn nhiều vấn đề cần xem xét lại.
Điều chỉnh từ "lò" đào tạo
Từ 20 năm nay, khoa báo chí - truyền thông của Trường ĐH KHXH&NV đào tạo theo khung chương trình với các khối kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành, nghiệp vụ, thi hoặc bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Các môn học chuyên ngành, nghiệp vụ được chia theo tỷ lệ 50/50 hoặc 40/60 cho nội dung lý thuyết/thực hành. Theo ông Đinh Hường, tỷ lệ này chưa khiến sinh viên thỏa mãn và bị dư luận đánh giá là nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Để khắc phục tình trạng trên, khoa báo chí và truyền thông đã nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung khung chương trình đào tạo để cập nhật những môn học mới như: Quan hệ công chúng, quảng cáo trên báo chí, kinh doanh và phát hành báo chí; truyền thông internet; nghệ thuật thuyết trình... Sinh viên được làm bài tập trên lớp nhiều hơn, được khuyến khích học nghề tại các tòa soạn báo, nghỉ hè thì kết hợp thực hành, thực tế ở các cơ quan báo chí địa phương, cuối năm thứ 3 được đi thực tế một tuần tại một địa điểm tự chọn, năm thứ 4 có hai tháng thực tập tốt nghiệp bắt buộc. Ông Đinh Hường nhấn mạnh: Đầu vào là rất quan trọng, nên chăng tổ chức thi tuyển năng khiếu như trước đây Học viện Báo chí và Tuyên truyền từng làm, tất nhiên là phải đổi mới cho phù hợp… Tất cả nhằm chọn đúng người vào học.
Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ông Nguyễn Đức Dũng, Khoa Phát thanh và Truyền hình cho rằng: Trong mô hình đào tạo báo chí theo chuyên ngành của học viện, do chú trọng về lý thuyết và kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí nên các trường chỉ tuyển học sinh thi các khối C và D. Điều này dẫn đến hai hệ quả, một là không tuyển chọn được hết những người ở các khối thi khác có nguyện vọng và khả năng học báo chí; thứ hai, do các khối thi C và D có tỷ lệ học sinh nữ rất cao nên kết quả là trong hầu hết các chuyên ngành đào tạo báo chí, sinh viên nữ thường chiếm tỷ lệ áp đảo. Thực trạng này là không phù hợp với yêu cầu thực tế của hoạt động báo chí vốn là nghề nhọc nhằn, nguy hiểm.
Từ nhiều năm nay học viện triển khai các chương trình đào tạo cử nhân báo chí theo các chuyên ngành cụ thể như báo mạng điện tử, báo in, báo truyền hình hay báo phát thanh... Theo ông Nguyễn Đức Dũng, phương thức đào tạo này đã khai thác tối đa đặc điểm, đặc trưng của từng loại hình báo chí, qua đó trang bị kiến thức chuyên ngành chuyên sâu cho người học và sau khi tốt nghiệp, sinh viên không mất nhiều thời gian để thích ứng. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, mô hình đào tạo theo chuyên ngành cũng bộc lộ một số nhược điểm. Sản phẩm đầu ra của các chương trình không đa dạng, nên chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí. Để nâng cao tính chuyên nghiệp của chương trình đào tạo thì cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Trước hết là lấy bớt thời lượng của các học phần lý luận chung để dành cho các học phần trang bị kiến thức, kỹ năng nghề báo. Những nội dung mới như thiết kế web, ảnh cho trang web, audio cho web, video cho web, quản trị trang web… cần được bổ sung cho tất cả các chuyên ngành báo chí nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên có thể đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập, hội tụ truyền thông, tích hợp phương tiện.