Mừng hay lo?

07:10, 21/06/2012

Nhà chị Nga cả ngày hôm nay người ra, người vào tấp nập, hỏi ra mới biết cậu con trai của chị đỗ tốt nghiệp THPT nên vợ chồng chị làm bữa cơm mời anh em trong nhà đến chia vui và động viên cháu chuẩn bị đi thi đại học. Mừng cho cháu, tôi cũng qua hỏi thăm và chúc mừng cu cậu. Vừa thấy tôi, chồng chị Nga vui vẻ “khoe”:

Cháu đỗ rồi cô ạ! 47 điểm, cộng 1,5 điểm học nghề nữa là 48,5. Anh chị mừng quá. Môn Anh văn được 6 điểm, còn lại đều trên 7,5 điểm. Ngạc nhiên nhất là môn Toán, lo bị điểm kém, ai ngờ lại được 9 điểm. May mà hôm đó nó ngồi gần đứa học khá, chép được hết.

 

Qua bước nào, mừng bước đó anh ạ. Việc quan trọng bây giờ là động viên cháu dành toàn tâm, toàn ý cho kỳ thi đại học. Cháu mà đỗ thì vui phải biết.

Ngồi lại chơi với gia đình chị Nga chừng 10 phút, tôi trở về nhà để chuẩn bị cơm tối. Đúng lúc ấy, bác Toàn tổ trưởng tổ dân phố đến chơi. Biết tôi vừa sang nhà chị Nga về, bác liền khoe:

 

- 7 cháu của xóm mình thi tốt nghiệp vừa rồi đều đỗ cả. Lo nhất là con nhà ông Vinh, ông Hà thì điểm lại cao thứ 3, thứ 4. Thành tích học tập, thi cử của con em tổ dân phố mình ngày càng tiến bộ. Tôi mừng lắm. Hôm này báo cáo công tác khuyến học, khuyến tài trước các gia đình cũng mát lòng, mát dạ. Nhưng mà này... Nói đến đây, bác Toàn bỗng trùng giọng:

 

-Liệu kết quả đó có phản ánh đúng thực chất không nhỉ? Liệu tỉnh ta có trường nào thi như Trường THPT Đồi Ngô ở Bắc Giang không? Chứ tôi thấy, mấy cái quán internet cạnh nhà tôi lúc nào cũng lườm lượp khách ra, vào, mà chủ yếu là học sinh cấp 3. Nhiều đứa còn bỏ cả học chơi đến 11, 12 giờ đêm, bố mẹ phải đi tìm mới chịu về.  Mẹ tôi trong nhà nghe vậy liền bước ra, góp chuyện:

 

- Ôi dào, việc đó bác lo làm gì? Con cháu nhà mình cứ thi đỗ là được. Có cái bằng trong tay, chúng nó mới có cơ hội học gì thì học. Nếu không suốt đời chỉ làm cu li thôi bác ạ.

 

Câu chuyện tưởng trừng đến đó sẽ tạm dừng thì chị Phương, một người quen của gia đình tôi hiện là giảng viên một trường đại học sư phạm đến chơi và góp chuyện:

 

Qua thực tế giảng dạy, mặc dù tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nói chung, đỗ tốt nghiệp loại khá, giỏi nói riêng trên địa bàn các tỉnh, thành của cả nước trong mấy năm trở lại đây đều tăng nhưng chất lượng thi đầu vào các trường cao đẳng, đại học lại có xu hướng giảm. Quá trình học tập một cách thực chất ở đại học nhìn chung cũng không cao, nếu không muốn nói là giảm. Số sinh viên chịu khó tìm tòi, nghiên cứu rất ít, mà chủ yếu vẫn dựa vào cộng nghệ copy - paste (sao chép - dán) để trả bài thầy cô.

 

Mặc dù ngành giáo dục luôn dóng dả “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nhưng xem ra chỉ được 1-2 năm đầu thực hiện, xong đâu lại vào đấy. Có lẽ vì thế, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều đạt trên 97%, trong đó có tỉnh đạt tới 99,9% nhưng những người thực sự quan tâm tới nền giáo dục và thế hệ trẻ vẫn không hề vui. Và với kết quả ấy, chẳng biết nên mừng hay lo và những người đứng đầu các cấp, ngành nghĩ gì?