Đầu mùa tuyển sinh năm nay, số hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường sư phạm đã tăng hơn kỳ thi tuyển sinh năm 2011. Liệu đó có phải dấu hiệu khởi sắc của ngành sư phạm?
Không phải xu hướng
Sau khi việc thống kê lượng hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh Hà Nội hoàn thành, những con số khả quan đã được ghi nhận khi các trường sư phạm nằm trong nhóm trường có nhiều thí sinh gửi gắm hồ sơ. Trường CĐ Sư phạm Hà Nội đứng thứ hai về lượng hồ sơ đăng ký của thí sinh Hà Nội (9.363). Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng thuộc nhóm 10 trường "hot" nhất với hơn 5.500 hồ sơ. Không chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh phía Bắc khác cũng có lượng hồ sơ vào ngành sư phạm khá lớn. Tỉnh Điện Biên có 1.922/7.694 hồ sơ đăng ký vào Trường CĐ Sư phạm Điện Biên, tỉnh Yên Bái có 1.145/10.787 hồ sơ vào Trường CĐ Sư phạm Yên Bái…
Tính trên cả nước, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 16.300 hồ sơ, tăng 1.000 hồ sơ so với năm 2011. Tỷ lệ "chọi" dự kiến ở mức 1/5,3. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có tới 10.000 hồ sơ (năm 2011 là 7.500 bộ), tỷ lệ "chọi" dự kiến của trường là 1/4 (năm 2011 là 1/3,4), ngành có số lượng hồ sơ đông nhất là ngành mầm non và tiểu học. Năm nay, khối ngành sư phạm ở các trường phía Nam cũng có lượng hồ sơ tăng đột biến. Điển hình là Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh với 22.000 hồ sơ, tăng 7.000 hồ sơ so với năm trước.
Tuy nhiên, về tổng thể sự khởi sắc này dường như không mang tính xu hướng. Các trường sư phạm tại Hà Nội vốn vẫn "hot" dù lượng hồ sơ trồi sụt qua mỗi năm. Còn ở phía Nam, đại diện cơ quan tuyển sinh của Bộ lý giải việc đăng ký tăng vọt là do các trường mở rộng vùng tuyển sinh ra nhiều địa phương trên cả nước. Trong 80.000 hồ sơ đăng ký của thí sinh Thanh Hóa chỉ có vài trăm hồ sơ hướng tới các trường sư phạm, dù cũng đã tăng so với năm 2011. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 386 HS, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 chỉ có 41, Trường CĐ Sư phạm trung ương có 349 hồ sơ. Đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Huế chỉ có 29 hồ sơ trong khi đó những năm trước trường này nhận được hàng nghìn hồ sơ của thí sinh tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, các trường sư phạm cho biết có sự chênh lệch về hồ sơ khá lớn giữa các ngành. Lượng hồ sơ đổ nhiều vào những ngành như mầm non, giáo dục tiểu học, tâm lý, sư phạm tiếng Anh, sư phạm toán, trong khi lại "hẩm hiu" ở một số ngành khác. Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ngành giáo dục quốc phòng - an ninh có số hồ sơ chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu (12 hồ sơ/120 chỉ tiêu), ngành sư phạm Nga có 36 hồ sơ/40 chỉ tiêu (1/0,9), ngành sư phạm Pháp có tỷ lệ chọi 1/0,6...
Liệu có thi riêng?
Ngay cả nếu tỷ lệ chọi có cao song điểm trúng tuyển vào các trường sư phạm thường không cao. Năm 2011, chỉ trừ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có mức điểm trúng tuyển trên 17-17,5, hầu hết các trường còn lại đều ở mức sàn hoặc trên sàn không đáng kể như ĐH Sư phạm Thái Nguyên 16, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh 15,5, ĐH Sư phạm Huế 15,5 (khối C), và 14 (khối D1)... Đó cũng là tình trạng chung đối với các trường CĐ Sư phạm của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thái Nguyên...
Điểm chuẩn của xét tuyển NV3 của những trường này phần lớn dao động trong khoảng từ 10-13 điểm. Rất ít ngành xét tuyển điểm đầu vào từ 14 điểm trở lên. Học sinh giỏi không đăng ký vào sư phạm, ví dụ như ở Hà Nội, chỉ có 4 học sinh trong số 150 học sinh giỏi được tuyển thẳng đăng ký vào sư phạm, còn ở Thanh Hóa, không có ai trong số 75 thí sinh thuộc diện được ưu tiên xét tuyển năm nay đăng ký vào trường sư phạm. Đầu vào thấp như vậy đối với ngành sư phạm đang là nguy cơ đối với nền giáo dục.
Như lý giải của các chuyên gia tuyển sinh, số thí sinh dự thi vào ngành sư phạm giảm là điều dễ hiểu do khó khăn về việc làm khi ra trường. Ví như ở Thanh Hóa, hiện còn hàng nghìn giáo viên chưa có việc làm, thu nhập từ nghề giáo lại thấp so với các nghề khác. Đầu ra khi tốt nghiệp cũng là nỗi trăn trở của các nhà đào tạo. Ông Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng: Nếu cải thiện được tình trạng này thì ngành sư phạm mới có sức hút trở lại. Hiện các hình thức thu hút khác như miễn giảm học phí với sinh viên sư phạm chỉ phù hợp với thí sinh thuộc vùng khó khăn, nhà nghèo chứ chưa tạo được đòn bẩy về chất cho ngành sư phạm.
Trước những số liệu về tình hình đăng ký dự thi vào các khối, các ngành nghề đã được công bố, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, quan niệm xã hội liên quan đến việc chọn ngành nghề đã dần có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Để góp phần tiếp tục làm thay đổi xu hướng chọn trường của thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Năm tới, Bộ sẽ xem xét để cho các trường, ngành tuyển sinh khối C và KHXH có thể tự tổ chức thi riêng để thu hút học sinh. Nhiều trường sư phạm hy vọng trong tương lai sẽ được thi riêng để cải thiện cả số lượng lẫn chất lượng "đầu vào".