Bước chuyển mạnh về chất và lượng trong giáo dục Tiểu học

13:37, 27/07/2012

Năm học 2011 - 2012 với sự chỉ đạo và những giải pháp cụ thể linh hoạt, Giáo dục Tiểu học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Đặc biệt việc nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và xây dựng trường chuẩn quốc gia đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Năm học 2011 - 2012, các Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trên cơ sở vận dụng các phương án phù hợp với đặc điểm vùng, miền. Các địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp tăng cường tiếng Việt, chất lượng học tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số chuyển biến rõ rệt. Xếp loại môn Tiếng Việt lớp 1 học sinh toàn quốc loại giỏi 53,9%, loại yếu 8,8%. Các tỉnh triển khai tốt công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc tiêu biểu là: Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Kon Tum... Các địa phương thuộc địa bàn dự án Mô hình trường học mới tích cực chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc, giúp trẻ có vốn tiếng Việt cơ bản, biết giao tiếp đơn giản tạo điều kiện thuận lợi vào học lớp 2.

 
 

Thực hiện dạy tiếng Việt theo công nghệ giáo dục cho 16 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Kon Tum, Bình Phước, Ninh Thuận, Tây Ninh, Kiên Giang, Cà Mau, Lạng Sơn, Hòa Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang với 38.593 học sinh lớp 1, trên 744 trường tiểu học. Bộ GD&ĐT đã tập huấn cho 160 giáo viên cốt cán, hướng dẫn về quy trình quản lí việc dạy học Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục, biên soạn đề kiểm tra cuối học kỳ I giúp các địa phương thuận lợi trong công tác chỉ đạo. Kết quả học sinh đọc, viết, nghe, nói tốt, tỷ lệ học sinh yếu giảm. Các tỉnh có nhiều học sinh dân tộc chất lượng học tập môn Tiếng Việt có chuyển biến rõ rệt như: Lạng Sơn (Giỏi 59,4%), Lai Châu (giỏi 50,9%), Tuyên Quang (giỏi 48,8%), Hòa Bình (Giỏi 48,1%). Giáo dục song ngữ tại 3 tỉnh: Lào Cai, Gia Lai, Trà Vinh triển khai đúng tiến độ, học sinh tự tin trong học tập. Chất lượng giáo dục Tiểu học năm học 2011-2012 giữ ổn định 40,7% HS xếp loại giỏi, 31,6% (Khá), 25,7% (TBình), 1,9% (Yếu)

 

Năm học 2011-2012 Bộ GD&ĐT triển khai dạy học Tiếng Anh thí điểm cho học sinh lớp 3 và lớp 4. Dạy đại trà Tiếng Anh lớp 3: Ở các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên của gần 50 tỉnh đã  triển khai dạy  Tiếng Anh 4 tiết /tuần cho 291.020 học sinh lớp 3. Dạy thí điểm tiếng Anh lớp 4: Triển khai tại 20 tỉnh, 92 trường với  94 giáo  viên và 13.000 học sinh. Kết quả như sau: Hầu hết học sinh ở 20 tỉnh thí điểm đều đạt yêu cầu, hơn 70% học sinh đạt loại Khá, Giỏi khi làm bài kiểm tra định kỳ theo chuẩn châu Âu và theo hướng dẫn về kiểm tra đánh giá trong công văn 9749/BGD ĐT-GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã kết hợp với Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 và các cơ sở khảo sát giáo viên được chỉ định tiến hành rà soát về lực lượng giáo viên tại địa phương. Đến ngày 29/6/2012 toàn quốc có 11.784 giáo viên Tiếng Anh tiểu học được thống kê trong đó có 1.062 giáo viên đạt B2; 2.785 giáo viên đạt B. Các tỉnh tích cực chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh đáp ứng yêu cầu đề án dạy học tiếng Anh. Giáo viên dạy tiếng Anh có trình độ đào tạo đại học và trên đại học đạt 60,17%.

 

Từ tháng 9/2010 đến tháng 6/2011 Bộ GD&ĐT đã công nhận thêm 2 tỉnh Hà Giang, Gia Lai đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 và công nhận tỉnh Thái Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2- tỉnh đầu tiên của cả nước, nâng số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi lên 59/63 tỉnh, thành phố. Đến tháng 6/2012 có 34 tỉnh, thành phố đã được công nhận, công nhận lại đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Còn 4 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Bình Phước) chưa đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi dự kiến sẽ đạt chuẩn vào các thời điểm từ năm 2012 đến 2015.

 

Việc chỉ đạo xây dựng và công nhận trường tiểu học đạt Chuẩn quốc gia theo Quyết định số 32/2005/QĐ-BGDĐT được chú trọng. Năm học 2011-2012 công nhận thêm 445 trường. Đến tháng 6/2012 có 130/15.273 trường tiểu học đạt Chuẩn quốc gia (đạt 46,68 %), trong đó có 522 trường đạt Chuẩn mức độ 2. Các trường đã đạt Chuẩn quốc gia mức độ 1 có kế hoạch cụ thể đầu tư cho chất lượng để đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2, tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong trường tiểu  học chất lượng tốt. Năm học 2011 – 2012 tiêu biểu là các tỉnh: Ninh Bình đạt 100% trường tiểu học đạt Chuẩn quốc gia; Thanh Hóa công nhận thêm: 32 trường, Lào Cai: 30 trường, Đăk Lắc: 21 trường, Bình Định: 21 trường, Phú Thọ: 17 trường,  Hải Dương: 17 trường, Hải Phòng: 17 trường.   

 

Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lí chỉ đạo

 

Bên cạnh các văn bản Hướng dẫn thực hiện Thông tư 32; 09; văn bản Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2011 – 2012, văn bản điều chỉnh nội dung dạy học ...Bộ đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan  tổ chức xây dựng các văn bản mới như: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật. Quy định điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động, đình chỉ, sáp nhập, chia, tách, giải thể của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập...

 

 

 Bộ đã tổ chức tập huấn với quy mô toàn quốc cho trưởng phòng Tiểu học, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo về công tác chỉ đạo dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng chương trình tiểu học; chỉ đạo dạy học linh hoạt phù hợp với đối tượng học sinh từng vùng miền; Chỉ đạo các địa phương xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; Chú trọng bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Đặc biệt quan tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực theo Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học; bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới quản lý chỉ đạo và trong đổi mới phương pháp dạy học; Chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ cho cơ sở, xã hội hoá giáo dục, “ba công khai”, kiểm định chất lượng trường tiểu học, triển khai mô hình “trường tiểu học chất lượng cao” theo đề án được UBND cấp tỉnh phê duyệt; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kì và đột xuất.

 

Phương hướng nhiệm vụ năm học 2012 - 2013

 

Tiếp tục thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; Thực hiện nghiêm túc kế hoạch giáo dục: thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kế hoạch dạy học và giáo dục đối với lớp 1 buổi/ ngày, lớp 2 buổi/ ngày; Triển khai thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tại 1447 trường trên tinh thần tự nguyện; Triển khai thí điểm phương pháp "Bàn tay nặn bột" tại 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Triển khai thí điểm dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới tại 48 trường tiểu học ở 6 tỉnh, thành phố; Thực hiện Chương trình, sách, thiết bị dạy học; Dạy học đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và xây dựng trường chuẩn quốc gia; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục.