Tăng học phí: Không ảnh hưởng lớn đến việc học của học sinh

08:42, 12/07/2012

Ngay trước Kỳ họp thứ 4, HĐNĐ tỉnh khóa XII, Sở Giáo dục - Đào tạo đã có tờ trình về việc thu học phí năm học 2012-2013 đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để HĐND tỉnh xem xét thông qua và bắt đầu thực hiện trong năm học tới. Tuy nhiên, mức tăng không cao, không ảnh hưởng nhiều tới việc học của học sinh, nhất là học sinh nghèo, ở vùng sâu, vùng xa…

Thực hiện lộ trình tăng học phí ở các bậc học theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo từ năm học 2011-2012 đến năm học 2014-2015, Sở Giáo dục - Đào tạo đã xây dựng đề nghị mức thu học phí năm học 2012-2013 với mức tăng bình quân 10% so với năm học 2011-2012. Đây là mức tăng tối thiểu theo Quy định của Bộ. Tại Quyết định số 41/2011/QĐ-UBND ngày 22-8-2011 của UBND tỉnh có nêu: “…Từ năm học 2012-2013 trở đi, giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động - TBXH và các ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh căn cứ vào khung học phí của Chính phủ tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 và căn cứ chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo để điều chỉnh mức học phí cụ thể cho phù hợp với thực tế của các vùng ở địa phương trình HĐND tỉnh quyết định”. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố chỉ số giá tiêu dùng trên cả nước là 18,5%, ở Thái Nguyên là 15,3%.

 

Theo tờ trình của Sở Giáo dục - Đào tạo, học phí của các hệ giáo dục mầm non, phổ thông công lập đối với chương trình đại trà năm học 2012-2013 tăng không đáng kể, chỉ từ 1 nghìn đến 10 nghìn đồng. Ví dụ: Hệ nhà trẻ tăng từ 100 nghìn lên 110 nghìn đồng ở các phường thuộc T.P Thái Nguyên và T.X Công Công; ở thị trấn trung tâm các huyện lỵ, các xã nông thôn vùng trung du từ 60 nghìn tăng lên 65 nghìn đồng; các xã, thị trấn còn lại từ 30 nghìn đồng tăng lên 33 nghìn đồng. Hệ THCS tăng tương ứng từ 40 nghìn đồng lên 44 nghìn đồng, 20 nghìn đồng lên 22 nghìn đồng, 15 nghìn đồng lên 16 nghìn đồng…  Đối với hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thuộc tỉnh quản lý, học phí năm học này tăng từ 26 đến 34 nghìn đồng/tháng/học sinh. Hệ trung cấp nghề, cao đẳng nghề thuộc tỉnh quản lý, học phí tăng từ 10 đến 30 nghìn đồng/tháng/học sinh.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Chí Tằng, xóm Nà Lài, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) cho biết: Tôi có hai con đang đi học (một ở bậc THPT, một đang học cao đẳng). Được biết năm học tới sẽ tăng học phí ở các bậc học nhưng cũng không nhiều nên tôi không quá lo lắng. Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến các khoản đóng góp đầu năm học mới, nhất là với những hộ cận nghèo…

 

Trên thực tế, học phí của hệ mầm non và tiểu học được dùng tới 90% để chi lương cho giáo viên, chỉ còn 10% dành cho hoạt động chuyên môn và đầu tư cho cơ sở vật chất; hệ THCS và THPT thì dành 15-18% cho hoạt động chuyên môn. Hơn nữa, Thái Nguyên có 5 huyện miền núi còn nghèo, đối tượng được miễn giảm học phí nhiều, vì thế phải dùng ngân sách để cấp bù nên càng khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp… Đồng chí Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Khi xây dựng mức tăng học phí, chúng tôi cũng tính đến khả năng một số học sinh sẽ bỏ học, tuy nhiên, những đối tượng quá khó khăn như học sinh thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, ở miền núi, vùng cao… đều nằm trong diện không phải đóng hoặc được miễn giảm học phí.

 

 

Hơn nữa, theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Chính phủ về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú và Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT thì các học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi phải đi học cách xa nhà 3km đối với bậc tiểu học, 5km đối với bậc THCS và không thể đi về trong ngày sẽ được hỗ trợ văn phòng phẩm, sách giáo khoa và tiền ăn bằng 40% hệ số lương tối thiểu… Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổng hợp số học sinh thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định này và sẽ thực hiện chi trả trong 6 tháng của năm học 2011-2012 và 9 tháng của năm học 2012-2013. Đây là chính sách khuyến khích, động viên những học sinh ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục vượt qua khó khăn để đến trường.

 

Theo tờ trình của Sở Giáo dục - Đào tạo, mỗi tháng mức học phí mới dự kiến cho bậc nhà trẻ ở các phường thuộc T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công là 110 nghìn đồng; thị trấn trung tâm các huyện lỵ, các xã nông thôn vùng trung du là 65 nghìn đồng; các xã, thị trấn còn lại mức thu là 33 nghìn đồng. Bậc mẫu giáo, các mức thu tương ứng là 88 nghìn đồng và 22 nghìn đồng. Bậc THCS (lớp 6-9) là 44 nghìn đồng, 22 nghìn đồng và 16 nghìn đồng. Hệ THPT, bổ túc văn hóa, giáo dục thường xuyên (lớp 10-12) là 55 nghìn đồng, 38 nghìn đồng và 22 nghìn đồng. Hệ hướng nghiệp dạy nghề có mức thu 16 nghìn đồng, 11 nghìn đồng và 9 nghìn đồng. Riêng bậc tiểu học không thu học phí.