Thành lập nhà xuất bản điện tử: Nên hay không?

08:37, 15/07/2012

Dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi trình Quốc hội có nêu điều kiện thành lập Nhà xuất bản (NXB) điện tử. Chưa bàn đến các yêu cầu cụ thể trong khoản 2, điều 15 của Dự thảo như "Có máy chủ đặt tại Việt Nam, có tên miền internet Việt Nam để xuất bản trên môi trường mạng"… bài viết này xin bàn đến chủ trương thành lập NXB điện tử ở nước ta trong xu thế phát triển chung của ngành xuất bản thế giới.

Xu thế tích hợp

 

Ở các quốc gia mà thị trường sách điện tử có doanh số hàng trăm triệu bảng, hoặc đô la Mỹ hằng năm như ở Anh, Mỹ, Canada… thì số lượng NXB điện tử (nói chính xác là một công ty chuyên cung cấp những giải pháp về công nghệ số cho sách điện tử) cũng không vượt quá con số 10 trên một quốc gia, như Inkling Habitat, Smashword, Publishing Technology, Amazon Publishing House… Các NXB này đều có xuất phát điểm chung là từ một công ty công nghệ "lấn sân" sang thị trường sách điện tử vốn giàu tiềm năng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường sách điện tử ở các quốc gia này được lý giải qua mô hình tự xuất bản (self publishing). Nhu cầu đó lại được hỗ trợ dựa trên nền tảng công nghệ của những thương hiệu lớn như Apple hay Amazon. Ở đó, tác giả sẽ được hưởng từ 60 đến 85% giá bán tác phẩm trên một lần tải.

 

Tương tự, ở Việt Nam, sự xuất hiện của Alezaa, Lạc Việt, FPT, Viettel, Tinh Vân… là minh chứng cho xu thế trên. Họ không phải là NXB đúng nghĩa, không sở hữu nội dung hay bản quyền tác phẩm mà đơn giản chỉ là cung cấp các giải pháp về mặt công nghệ để độc giả có thể đọc trực tuyến, tải về máy tính, máy tính bảng, smartphone những cuốn sách mà họ cần với một mức phí chỉ bằng 10-30% sách in. Đối với tác giả và các NXB truyền thống, đây có thể là lời giải cho bài toán về hàng tồn kho, chi phí vận chuyển và in ấn.

 

Xu thế chung đối với các tập đoàn xuất bản lớn trên thế giới và kể cả những NXB nhỏ, mỗi năm phát hành đôi ba chục đầu sách, là sự kết hợp giữa sách in và sách điện tử. Random House, Harper Collin, Oxfam Publishing, Nosy Crow… đều có công ty con chuyên về sách định dạng kỹ thuật số. Các công ty này có trách nhiệm số hóa toàn bộ những cuốn sách đã xuất bản và triển khai tiếp thị, kinh doanh trên môi trường mạng. Ở Việt Nam, dự án sách điện tử của NXB Giáo dục với AIC (Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế), của NXB Trẻ, NXB Thông tấn, của Aphabook, Quảng Văn… cũng nằm trong dòng chảy đó. Ở Trung Quốc, theo số liệu thống kê có tới 522/580 (năm 2010) NXB triển khai sách điện tử. Còn những thương hiệu nổi tiếng chuyên bán sách điện tử hay đọc sách trực tuyến có thu phí như Hồng Tụ, Tấn Giang… thì đều là các công ty công nghệ. Tại Thái Lan, thương hiệu Ookbee - chuyên cung cấp xuất bản định dạng kỹ thuật số - cũng thuộc tập đoàn công nghệ ITWORK.

 

Có cần NXB điện tử riêng?

 

Theo dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi thì cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị cấp trung ương và cấp tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội cấp trung ương và các tổ chức khác do Chính phủ quy định là những đối tượng được thành lập NXB điện tử. Nếu triển khai theo hướng trên, việc có hàng chục NXB điện tử được phép thành lập cộng với 64 NXB truyền thống thì Việt Nam sẽ có cả trăm NXB. Trong khi đó, gần 70% NXB hiện tại đang hoạt động thiếu hiệu quả, sống lay lắt. Dự thảo lại nêu rõ NXB điện tử là đơn vị sự nghiệp công hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu. Rõ ràng, những đơn vị này sẽ không dễ dàng đi lên với một trách nhiệm mới trên vai.

 

Khai sinh thêm NXB điện tử đồng nghĩa với việc một xuất bản phẩm muốn phát hành song song hai ấn phẩm (sách in và sách điện tử) phải có hai giấy phép xuất bản. Điều này làm tăng chi phí và tốn thời gian cho các đơn vị làm sách, đi ngược lại chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ. Thực tế, ấn bản điện tử hiện nay phần nhiều có xuất xứ từ sách in, nghĩa là nội dung xuất bản phẩm đã được "lọc" qua các NXB truyền thống. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là có cần qua một lưới lọc nữa hay không khi nội dung không khác, chỉ khác ở định dạng và phương thức phát hành đến tay bạn đọc?

 

Sách điện tử không đơn thuần là một xu thế, nó là triển vọng, là tương lai của ngành xuất bản. Để thị trường sách điện tử Việt Nam có thể cất cánh, bắt kịp xu thế thời đại, nên chăng chúng ta cần tiếp tục quan sát, lắng nghe thực tế để điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo dựa trên những nghiên cứu tương xứng về xu thế "tự xuất bản" đang hình thành ngày một rõ nét. Và có lẽ, cũng cần có sự hỗ trợ về mặt công nghệ đối với các đơn vị làm sách.

 

Cũng cần nói thêm là hiện nay, tín hiệu "SOS" mạnh mẽ đối với hoạt động xuất bản (liên quan trực tiếp tới hiệu quả xuất bản điện tử) chính là những chế tài đủ mạnh để xử lý hiệu quả tình trạng vi phạm bản quyền đang tái diễn tràn lan trên mạng.