Cô thủ khoa nghèo và nỗi lo phía trước

09:10, 07/08/2012

Tin cô bé hạt tiêu Nguyễn Thị Quyên đậu liền hai trường đại học đã làm xôn xao cả xã Hồng Tiến (Phổ Yên). Không những vậy, em còn là một tân thủ khoa khối D, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) với 24,5 điểm. Đây là niềm tự hào của bản thân em và cả gia đình nghèo nơi xóm nhỏ. Thế nhưng, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ treo đầy giấy khen ấy, giờ đây lại chất thêm gánh nặng khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa em bước vào giảng đường đại học với bao điều phải lo toan.

Đến căn nhà nhỏ tại xóm Chùa xã Hồng Tiến, chúng tôi gặp Quyên với dáng người nhỏ nhắn vẫn luôn tay phụ giúp bố, mẹ làm việc gia đình như lời những người trong xóm đã nhận xét. Gia đình em là một trong những hộ nghèo nhất của xóm. Bố em bị bệnh đau cột sống, không thể làm được việc nặng. Mọi lo toan trong gia đình đều đè nặng trên vai người mẹ gầy gò. Cả nhà có 4 khẩu chỉ trông vào 6 sào ruộng cùng con trâu làm sức kéo nên những ngày nông nhàn, mẹ em vẫn phải đi làm thuê để tăng thêm thu nhập.

 

Ý thức được hoàn cảnh của gia đình mình nên 12 năm học, Quyên luôn cố gắng học hành và đạt học sinh giỏi toàn diện. Không những vậy, em đều đạt nhiều giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Suốt bao năm học, Quyên không biết đến một buổi học thêm hay luyện thi đại học nhưng em đã làm được điều mà rất nhiều bạn có điều kiện học hành tốt phải mơ ước. Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, ngoài việc đỗ thủ khoa Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên em còn đậu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với 23,5 điểm cũng ngành Kinh tế -  Kế toán.

 

Quyên chia sẻ: Ban ngày, em làm các công việc nhà để giúp mẹ nên em cũng không dành quá nhiều thời gian cho việc học. Bí quyết học của em thật đơn giản là hiểu và nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa cũng như bài giảng của thầy, cô ở trên lớp. Sau đó xem lại và tổng hợp, tìm mối liên hệ giữa các kiến thức để xâu chuỗi thành một hệ thống. Khi đã nắm chắc lý thuyết rồi mới rèn luyện kỹ năng làm bài tập, luyện các dạng đề…

 

Mặc dù thi đỗ 2 trường đại học danh tiếng, niềm tự hào khiến không ít người phải ngưỡng mộ nhưng trong ánh mắt sáng ngời niềm tin của Quyên vẫn luôn ẩn chứa nỗi lo lắng, băn khoăn. Bởi hiện tại, gia đình em đã đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Chị gái của Quyên, Nguyễn Thị Thanh vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên với tấm bằng Giỏi nhưng chưa xin được việc làm. Được biết, để có tiền nuôi hai chị em ăn học đến ngày hôm nay, bố, mẹ em đã phải vay hơn 50 triệu đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ (Ngân hàng Chính sách - Xã hội dành cho hộ nghèo, vốn vay cho học sinh, sinh viên nghèo). Để có tiền cho Thanh đi thực tập, gia đình đã phải bán đi những cây xoan non. Số tiền học bổng 2,5 triệu đồng của Thanh nhận được trong kỳ học cuối cũng đã dành cho Quyên “lên kinh ứng thí” trong kỳ thi đại học vừa qua. Hai chị em là niềm tự hào của gia đình, nhưng hoàn cảnh trước mắt không thể cho Quyên niềm vui trọn vẹn.

 

Nói về hoàn cảnh gia đình mình, chị Dương Thị Chung, mẹ của Quyên nghẹn ngào: Gia đình không có điều kiện để hai chị em ăn học như chúng bạn. May sao hai em tự ý thức được việc học hành, thi bằng chúng bạn. Nếu không, bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi sẽ cảm thấy rất có lỗi. Từ ngày biết điểm thi của Quyên, có nhiều đêm hai mẹ con ôm nhau mà khóc. Mặc dù hiện tại, gia đình chưa biết “bấu víu” vào đâu nhưng chắc chắn, tôi vẫn cho con theo học, chỉ có học mới là con đường thoát nghèo. Thôi thì, nước đến đâu bắc cầu đến đó, còn vất vả bao nhiêu, tôi cũng chịu được…

 

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa Quyên sẽ nhập học. Em biết, học đại học sẽ rất tốn kém, gánh nặng trên vai mẹ lại càng trĩu hơn. Trong lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Em rất muốn học ở Hà Nội - môi trường năng động để nhanh chóng trưởng thành, nhưng chi phí sẽ rất cao. Còn với hoàn cảnh hiện tại, để lo cho em được học ở gần nhà cũng đã là ngoài sự cố gắng của gia đình. Trong câu chuyện, nỗi băn khoăn hiện rõ trên khuôn mặt của 4 thành viên trong căn nhà nhỏ không có một tài sản gì gọi là đáng giá khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

 

Rời xóm Chùa, hình ảnh cô bé nhỏ nhắn, ánh mắt đượm buồn nhưng lấp lánh niềm tin cùng câu nói: “Em sẽ cố gắng thích nghi với cuộc sống sinh viên, dù khó khăn thế nào em sẽ vượt qua để học thật tốt, không phụ lòng của bố mẹ” luôn vang vọng trong tâm trí tôi. Và, chúng tôi cũng tin tưởng rằng, cô bé thủ khoa của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên sẽ vững bước trên con đường chinh phục ước mơ của mình.