Điểm thi môn lịch sử thấp: Gieo gì gặt nấy

08:44, 09/08/2012

Chưa có thống kê cụ thể về điểm thi đại học, cao đẳng năm 2012 nhưng qua tổng hợp thông tin từ các trường có tổ chức thi khối C, môn lịch sử vẫn khiến nhiều người bận tâm bởi có vô số điểm thấp, trong đó có không ít điểm 0.

Ngành GD-ĐT thừa nhận đây là một thực tế không thể xem nhẹ và một bản cam kết nâng cao chất lượng dạy - học môn lịch sử đã được ký kết… Nếu không sớm có sự chỉ đạo quyết liệt và giải quyết tận gốc vấn đề thì chưa thể chấm dứt thực trạng đáng buồn này.

 

Điệp khúc buồn

 

Kết quả thi cử nhiều năm nay và những điều tra xã hội học cho thấy HS và thế hệ trẻ nói chung hiểu biết về lịch sử rất hạn chế, có sự hẫng hụt, thậm chí nhiều HS "rỗng tuếch về sử". Không phải chỉ năm nay điểm thi môn sử mới thấp, khảo sát kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005 cho thấy có 58,5% số bài thi môn lịch sử bị điểm 1 trở xuống; năm 2006, điểm trung bình các bài thi lịch sử vào ĐH thấp nhất trong các môn. Riêng ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong tổng số 5.399 bài thi môn lịch sử, có tới 2.828 bài dưới 1 điểm (chiếm gần 53%), trong đó có gần 600 bài bị điểm 0 (tức là cứ 10 bài thì có 1 bài bị điểm 0)... Đến năm 2011, tình trạng hàng nghìn bài thi sử bị điểm 0 phổ biến ở nhiều trường ĐH, điều đó đã thực sự gây sốc cho dư luận, các nhà quản lý ngành GD-ĐT và giới sử học. Đáng chú ý là các thống kê này chỉ thể hiện kết quả học môn lịch sử của những HS thi khối C, tức là những HS đã ít nhiều dành thời gian ôn luyện. Không rõ với HS thi các khối khác thì kiến thức lịch sử ra sao?

  

Với mong muốn khích lệ HS yêu thích học lịch sử, góp phần chấn hưng việc học môn này, tháng 4-2012, lần đầu tiên các HS đoạt giải môn lịch sử ở kỳ thi HS giỏi THPT cấp quốc gia được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Một bản cam kết về nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử trong các cơ sở giáo dục phổ thông giữa Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã được ký kết với các mục tiêu và giải pháp cụ thể - thực hiện đến năm 2015.

 

Vẫn biết chất lượng giáo dục, nhất là với một môn học vốn có "truyền thống… thê thảm" như lịch sử thì việc cải thiện chất lượng không thể có trong một sớm một chiều. Song, rõ ràng là điệp khúc buồn về môn lịch sử lặp lại trong nhiều kỳ thi liên tiếp đang đặt lên vai những người có trách nhiệm yêu cầu cụ thể hóa những kế hoạch đã đặt ra, rõ hiệu quả.

 

Vì sao và nên thế nào?

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng buồn nói trên, trong đó nguyên nhân số một vẫn là chất lượng dạy và học trong trường phổ thông. Theo GS - NGND Vũ Dương Ninh (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội), một trong những nguyên nhân cơ bản là chúng ta chưa đặt môn lịch sử đúng vị trí trong hệ thống các môn học ở phổ thông. Thời lượng dành cho môn lịch sử trong trường phổ thông là 1,5 - 2 tiết/tuần, nếu dạy đúng quy định thì bảo đảm yêu cầu, song, trong thực tế ban giám hiệu các trường thường cắt xén, dạy dồn giờ để tập trung thời gian cho các môn được coi là quan trọng hơn như văn, toán, ngoại ngữ… Gần 42% số giáo viên được hỏi đã thừa nhận điều này. Việc quy định năm thi, năm không thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử hoặc chỉ coi lịch sử như một môn thay thế cho môn ngoại ngữ ở những nơi chưa có điều kiện học ngoại ngữ… là sai lầm từ nhận thức, quan niệm quản lý giáo dục, gây hậu quả nghiêm trọng, kéo dài.

 

Việc phụ huynh chỉ coi trọng các môn thường có thi ĐH như toán, lý, hóa, ngoại ngữ… để nhắm cho con em mình theo học những ngành nghề "thời thượng" như kinh tế, tài chính, ngoại thương, CNTT… cũng góp phần làm cho HS ít hứng thú với môn lịch sử. Điều ấy thể hiện ngay ở bậc học phổ thông, khi không ít trường THPT để trống ban khoa học xã hội - nhân văn và tỷ lệ HS đăng ký thi ĐH khối C nhiều năm liền ở mức thấp.

 

Theo nhiều chuyên gia, để cải thiện chất lượng môn lịch sử, ngoài việc phải thay đổi quan niệm đối với môn này, như đã nói ở trên, thì còn phải quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy… Để dạy tốt, cần có nội dung chương trình phù hợp với lứa tuổi HS phổ thông. Bộ GD-ĐT đã có điều chỉnh song nội dung kiến thức yêu cầu cần nhớ vẫn còn quá nhiều. Ví dụ như phần lịch sử hiện đại hầu như không bỏ một sự kiện, giai đoạn nào, liên miên từ chiến dịch này đến trận đánh khác, nhiều đoạn trích dẫn nguyên văn nghị quyết, lại thêm con số địch chết bao nhiêu, thương vong thế nào… rất khó nhớ. Phần xây dựng kinh tế - xã hội lại như một báo cáo tổng kết với hàng loạt số liệu, HS dễ bị lẫn lộn các sự kiện, con số, nhân vật… Cách truyền đạt kiến thức này thường không tạo ra cảm xúc cho người học đã đành, người dạy cũng không có cảm hứng phân tích, mở rộng vấn đề. Đó là chưa kể việc dạy - học môn lịch sử ở hầu hết các địa phương hiện nay chưa tận dụng được hệ thống bảo tàng - những bộ sử bằng hiện vật phong phú, phù hợp với giới trẻ.

 

Lịch sử Việt Nam phong phú, rất đáng tự hào, vấn đề là làm sao giúp học sinh cảm nhận được điều đó, thực sự rung động và muốn tìm hiểu. Muốn vậy, hãy dẫn dắt, khơi gợi trẻ nhiều hơn thay vì bắt chúng học thuộc vô số thứ đã in thành sách.