Giúp học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức

09:04, 23/08/2012

Tổ chức VVOB (là Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ Kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ) thực hiện Hợp phần Hỗ trợ giáo dục tại 5 tỉnh là: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Ngãi từ năm 2008-2013. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cho giáo dục THCS ở cấp tỉnh, huyện, trường; đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang phương pháp dạy và học tích cực ở các địa phương.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục – Đào tạo), điều phối viên Tổ chức VVOB Thái Nguyên thì từ khi triển khai chương trình (năm 2008) đến nay, VVOB đã tổ chức trên 40 lóp tập huấn hàng nghìn giáo viên và cán bộ quản lý các trường THCS, góp phần nâng cao kỹ năng trong giảng dạy và hướng dẫn đồng nghiệp của các giáo viên; cán bộ quản lý các trường THCS đã thay đổi việc lập kế hoạch, giao tiếp, ứng xử trong quản lý…

 

Thời gian tổ chức các hoạt động của VVOB khá phù hợp; tài liệu đầy đủ, rõ ràng, có nội dung phù hợp với trình độ của giáo viên; giảng viên có năng lực tốt, phát huy được tính tích cực của học viên… Chị Nguyễn Thị Tứ, Tổ trưởng tổ Văn, Trường THCS Thắng Lợi (T.X Sông Công) đã được tham gia nhiều lớp tập huấn dạy học tích cực. Chị Tứ cho biết: Khác với các lớp tập huấn nghiệp vụ tôi đã được tham gia chính là cách tiếp cận: để học viên chủ động từ khâu làm quen, giải quyết vấn đề, kỹ năng đàm phán, trình bày, lắng nghe, phản hồi... giúp các giáo viên tập trung, chủ động và nắm kiến thức chắc hơn. Qua tập huấn chúng tôi đã thay đổi phương pháp soạn giáo án, ra đề kiểm tra, xây dựng bản đồ... Tôi áp dụng cách tiếp cận này trong bài giảng của mình và thấy học sinh rất hứng thú, sôi nổi phát biểu.

 

Với Thái Nguyên, Tổ chức VVOB triển khai 3 hợp phần: Đào tạo giáo viên (các trường đại học và cao đẳng sư phạm); quản lý giáo dục; tăng cường sự tham gia của cộng đồng (các hội liên hiệp phụ nữ). Đối với hợp phần đào tạo giáo viên, Chương trình đi sâu vào tập huấn cho các giáo viên trực tiếp đứng lớp và cán bộ quản lý ở các trường THCS, với các nội dung: Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tích cực; kỹ năng thúc đẩy và hướng dẫn đồng nghiệp, vấn đề giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống và giao tiếp ứng xử trong quản lý giáo dục; dạy học dựa trên giải quyết vấn đề… Qua các lớp tập huấn, góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang dạy học tích cực ở các cấp: trường, phòng giáo dục – đào tạo và sở giáo dục – đào tạo.

 

Bà Đặng Tuyết Anh, điều phối viên Tổ chức VVOB Việt Nam cho biết: Ban giám hiệu và giáo viên các trường THCS ở Thái Nguyên đã trở nên quen thuộc với VVOB. Một số học viên được phỏng vấn cho biết họ đánh giá cao tính phù hợp và hữu ích của VVOB. Dự kiến cuối năm nay, chương trình sẽ tiến hành điều tra trực tuyến với 15 huyện (3 huyện/tỉnh) để đánh giá sâu hơn tác động của khóa tập huấn này tới thực hành giảng dạy tại các trường THCS. Chương trình của VVOB đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuyển từ phương pháp dạy học lấy người dạy làm trung tâm sang phương pháp dạy học chú trọng vào người học hơn, trong đó, thầy cô giáo trở thành người dẫn dắt, còn học sinh đóng vai trò chủ động và tích cực trong quá trình học tập. Đây cũng là một trong những tiêu điểm của phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đang được triển khai ở các trường học trong cả nước…