Thả nổi sách tham khảo

09:52, 25/08/2012

Trong tình trạng nhà nhà, người người làm sách giáo khoa thì không chỉ giá cả trên trời, mỗi nơi một kiểu mà đến chất lượng cũng không ai kiểm duyệt….

Vàng thau lẫn lộn

 

TS Lê Hữu Tỉnh – Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục VN – đơn vị có uy tín trong việc tổ chức xuất bản và phát hành sách tham khảo (STK) cho biết: Hiện đang tồn tại một nghịch lý, STK vốn là sách giáo dục, nhưng ngành giáo dục lại không thể kiểm soát nổi, không có cơ chế quản lý. Nhiều NXB không hề “dính dáng” đến giáo dục cũng xuất bản STK giáo dục! Một số NXB không có đội ngũ cán bộ biên tập được đào tạo chuyên sâu về các bộ môn toán, lý, hóa, văn, sử, địa… do đó không quản lý, thẩm định được nội dung bản thảo STK, nhưng các bản thảo này vẫn được xuất bản và đưa ra thị trường. Các yếu tố trên liên quan tới tình trạng hỗn loạn STK trên thị trường hiện nay và chất lượng STK nhìn chung rất thấp.

 

Theo TS Tỉnh, để bảo vệ bản quyền sách của NXB Giáo dục VN, NXB này đã thường xuyên tổ chức đọc đối chiếu những cuốn STK “có vấn đề” của một số NXB khác, với sách của NXB Giáo dục VN, từ đó phát hiện những biểu hiện vi phạm bản quyền. Hình thức vi phạm thường thấy là một số tác giả viết STK cho các NXB khác đã sao chép ở một tỉ lệ nào đó các nội dung, các lời giải, đáp án trong sách giáo viên của NXB Giáo dục VN. Có những cuốn STK mức độ sao chép rất cao. TS Tỉnh cũng cho hay, mặc dù NXB Giáo dục VN đã gửi công văn yêu cầu các NXB đó dừng việc in, phát hành các sách vi phạm bản quyền, nhưng tình trạng vi phạm dường như vẫn chưa giảm.

 

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng hơn 60 NXB ở T.Ư và địa phương. Chỉ tính riêng NXB Giáo dục VN, mỗi năm xuất bản hàng nghìn tên STK mới và tái bản khá nhiều STK các loại nhằm hỗ trợ việc dạy và học của giáo viên, HS. Tuy nhiên, sự xuất hiện tràn lan, lộn xộn STK chất lượng thấp của hàng loạt các NXB khác nhau trên thị trường mà không có cơ quan nào quản lý đang làm dấy lên mối lo ngại về nền tảng kiến thức của cả một thế hệ trẻ sẽ bị lệch lạc. Một khi kiến thức nền đã không chuẩn xác, không hiểu các em HS sẽ bước vào đời như thế nào với những hành trang như vậy?

 

Ai kiểm duyệt?

 

Không hiếm các cuốn sách tham khảo mắc nhiều lỗi sai kiến thức cơ bản mà nếu không được các giáo viên có kinh nghiệm, nhà chuyên môn phát hiện, học sinh cứ thế mà học. Đơn cử, trong cuốn 162 bài văn chọn lọc dành cho học sinh lớp 7 của NXB ĐH Quốc gia TPHCM thì bài thơ Khóc Dương Khuê được viết là của tác giả Tú Xương, thực chất đây là tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Trong cuốn sách của tác giả Phạm Thị Sen có tên “Kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ môn địa lý lớp 9”, trang 60 câu số 5 với nội dung: “Đồng bằng sông Cửu Long không có các nhà máy thủy điện vì… thiếu lao động” thay vì đáp án phải là “thiếu nguồn thủy năng”… Và hàng loạt các thiếu sót theo kiểu “giun đất hô hấp bằng mang”… mà các STK mắc phải.

 

Trao đổi về việc nhiều học sinh, thầy cô lạm dụng quá mức STK, sách giải, sách văn mẫu như hiện nay, thầy Nguyễn Minh Phương - GV dạy văn Trường THCS Q.Tân Bình - cho rằng: “Việc lạm dụng STK sẽ khiến học sinh lười suy nghĩ, hình thành thói quen sao chép, đặc biệt đối với môn văn. Các em không còn suy nghĩ, cảm thụ để viết theo ý các em mà ỷ lại vào văn mẫu. Hoặc có em có suy nghĩ riêng nhưng lại không dám viết vì thấy khác với văn mẫu, các em bị ngộ nhận rằng văn mẫu, STK luôn đúng”.

 

Thầy Phương bộc bạch: “Trước thị trường STK quá nhộn nhịp như hiện nay, thầy cô có kinh nghiệm đọc cũng đã thấy đuối huống chi đến phụ huynh, học sinh. Để giúp các em học sinh bớt rối với sách, thầy cô có thể hướng dẫn các em mua những cuốn nào mà mình cảm thấy được và kinh nghiệm của tôi chỉ nên mua 1 hoặc 2 cuốn sách tham khảo cho 1 môn học”.

 

Chất lượng, giá cả của STK bị thả nổi như vậy, nhưng việc quản lý, kiểm duyệt sách lại khá đơn giản. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Truật - Phó GĐ NXB Trẻ - cho biết: “Ai cũng có quyền ra sách và một tác giả khi có tác phẩm thì họ chỉ cần làm việc với NXB, nếu NXB thấy được thì cho “ra lò”. Việc kiểm tra chất lượng sách phụ thuộc vào NXB và chưa có cơ quan chức năng nào kiểm duyệt chất lượng, lỗi sai của nó cả. STK cũng giống như một món hàng hóa, chất lượng của nó do người tiêu dùng đánh giá, nếu chất lượng thấp thì nó tự chết”. Nhưng cái khó là không phải phụ huynh nào cũng đánh giá được chất lượng của sách để chọn ra sách tốt cho con mình tham khảo nên phụ huynh, học sinh cứ phải oằn lưng với nó.