Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục

08:42, 31/08/2012

Nhân dịp năm học mới, phóng viên (PV) Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2012-2013 và những vấn đề mà đông đảo các bậc phụ huynh học sinh (HS) quan tâm. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD & ĐT triển khai trong năm học mới 2012-2013?

 

Đ/c Bùi Đức Cường: Năm học 2011-2012, ngành GD Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là 1 trong 20 tỉnh trong toàn quốc được Bộ GD & ĐT tặng Cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc. Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được của năm học 2011-2012, Ngành Giáo dục Thái Nguyên quyết tâm thực hiện tốt Chỉ thị số 2737 ngày 27-7-2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2012 - 2013.

 

Ngành đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt. Nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt các năm học vẫn là vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục (GD) đại trà và GD mũi nhọn (HS giỏi) từng bước vững chắc. Ngành GD tăng cường công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để cụ thể hoá và triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS; thực hiện Chương trình phát triển GD & ĐT giai đoạn 2011-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

 

Chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông của tỉnh theo Quyết định số 1400 của Chính phủ. Thí điểm xây dựng mô hình trường học mới (VNEN) và thí điểm phương pháp “bàn tay nặn bột” đối với giáo dục tiểu học.Triển khai thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức và tác phong Hồ Chí Minh trong các hoạt động học tập, rèn luyện của HS, giáo viên. Đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý GD, đổi mới phương pháp dạy học gắn với kiểm tra đánh giá. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động sư phạm của giáo viên cùng công tác quản lý HS, đảm bảo thiết lập nền nếp, kỷ cương trong dạy học.

 

Cùng với đó tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động như: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm xây dựng tốt mối quan hệ trong trường và giữa nhà trường với xã hội trong công tác phối hợp để đạt được hiệu quả giáo dục tốt nhất. Đẩy mạnh công tác khảo thí và kiểm định chất lượng GD cũng như việc ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy. Chú trọng đến nâng cao chất lượng GD ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao dân trí, góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

 

PV: Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, ngành GD Thái Nguyên đã có những nhóm giải pháp nào thưa đồng chí?

 

Đ/c Bùi Đức Cường: Để thực hiện thắng lợi chủ đề của năm học, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện phân cấp quản lý GD. Đồng thời, tăng cường công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo tất cả các nhà trường đều phải có chiến lược, kế hoạch năm, tháng, tuần thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ động nắm tình hình ở cơ sở, tăng cường công tác thanh tra chuyên môn, kiểm tra đột xuất.

 

Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý, cơ sở GD. Chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng các nhà trường theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng GD toàn diện và quán triệt sâu sắc yêu cầu quản lý chất lượng GD, đánh giá trung thực kết quả học tập, rèn luyện của HS, chuẩn hoá các yếu tố đầu vào, đầu ra của các cơ sở GD. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, chú trọng phát hiện các điển hình nhân tố mới để khen thưởng cũng như xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo.

 

PV: Một trong những vấn đề mà nhiều phụ huynh HS không đồng tình đó là các nhà trường đề ra nhiều khoản thu vào đầu năm học mới? Vậy ngành GD đã có những biện pháp như thế nào để hạn chế “lạm thu” trong các trường học thưa đồng chí?

 

Đ/c Bùi Đức Cường: Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở GD, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện tốt việc thu học phí theo các quy định hiện hành.

 

Đối với những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS học tập, sinh hoạt như: quần áo đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu, vở học tập mang tên trường… các cơ sở GD cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh, phụ huynh HS tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp. Với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ HS để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ HS trong công tác nuôi, dạy HS như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống… yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh HS về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.

 

Các trường vận động phụ huynh HS tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể cho con em mình theo đúng quy định của Luật bảo hiểm. Mức thu phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS do cuộc họp đầu năm học của cha mẹ HS quyết định, không sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Việc chi tiêu phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp cha mẹ HS đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối năm kỳ, cuối năm học.

 

Tôi yêu cầu các nhà trường không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc HS đóng góp dưới danh nghĩa “tự nguyện”. Tất cả các cơ sở GD phải thực hiện công khai các khoản thu, chi theo quy định của Thông tư số 09/2009/TT-BGD&ĐT ngày 07/5/2009 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở GD của hệ thống GD quốc dân.

P.V: cảm ơn đồng chí!