Trải thảm đỏ vẫn không mời được Thủ khoa

08:26, 21/08/2012

Việt Nam đang để lãng phí nhân tài quá nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa là chúng ta đã để lọt “ngọc quý” vào nước khác.   

Thành phố Hà Nội vừa tổ chức 10 năm tuyên dương thủ khoa các trường đại học (ĐH), học viện trên địa bàn thủ đô. Theo thống kê của Sở Nội vụ Hà Nội, trong 10 năm qua, có gần 1.100 thủ khoa được vinh danh nhưng chỉ có 1/10 trong số đó (107 thủ khoa) về làm việc tại các cơ quan hành chính thuộc Hà Nội.

  

Từ trước tới nay, chúng ta hay đề cập tới việc những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường ĐH không chịu về các địa phương, vùng miền khó khăn làm việc. Nguyên nhân là điều kiện kinh tế ở những nơi này còn khó khăn, mức lương và chế độ đãi ngộ còn thấp, môi trường làm việc chưa đủ sức hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu như Hà Nội với những cơ quan hành chính đầu não của cả nước, có sự phát triển kinh tế năng động lại không đủ sức thu hút nhiều thủ khoa về làm việc lại là điều đáng quan tâm.

 

Thiếu chiến lược quy hoạch, thu hút nhân tài

 

Nếu như nói Hà Nội không cải thiện chính sách, chế độ đối với nhân tài là không chính xác. Bởi trong những năm gần đây, thành phố đã rất chú trọng, tạo mọi điều kiện cho các thủ khoa vào làm việc phù hợp với khả năng. Thậm chí, ngay cả những thủ khoa không có hộ khẩu Hà Nội vẫn được ưu tiên nhận thẳng vào công tác tại các cơ quan.

 

Mặt khác, có cơ quan ở Hà Nội còn ưu tiên xét tuyển các thủ khoa đi học tại nước ngoài với nhiều ưu đãi như được hỗ trợ kinh phí trong thời gian đi học; được tạm ứng các khoản phí khi làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ nếu đi học ở nước ngoài...

 

Với những ưu đãi đó, có lẽ đối với nhiều bạn trẻ không tốt nghiệp thủ khoa, được làm việc tại nơi ngàn năm văn hiến là cả một niềm mơ ước lớn. Tuy nhiên, với các thủ khoa, dường như những chế độ ưu đãi trên chưa đủ sức thuyết phục. Lý do là vì ngay từ khi vẫn ngồi trên giảng đường ĐH hay trước khi nhận tấm bằng tốt nghiệp, các thủ khoa tương lai đã được các Tập đoàn, công ty liên doanh với nước ngoài mời chào trọng thị với mức lương hậu hĩnh, chế độ đãi ngộ hấp dẫn và được làm việc trong môi trường năng động, chuyên nghiệp, hiện đại…

 

Thế nhưng động thái này của các cơ quan Nhà nước ở Hà Nội lại đến chậm hơn rất nhiều so với các Tập đoàn, công ty. Điều này cũng dễ hiểu bởi các cơ quan, đơn vị cần phải đợi cơ chế tuyển dụng, chỉ tiêu biên chế từ cấp trên “rót” xuống rồi mới “quyết” được.

 

Ngoài ra, nhiều thủ khoa tốt nghiệp cho biết, các cơ quan hành chính ở Hà Nội thường tuyển dụng nhân lực vào những ngành không phù hợp với ngành mà họ theo học, nên đã dẫn đến tình trạng “cung-cầu” không gặp nhau, cơ sở tuyển dụng và các thủ khoa không tìm được tiếng nói chung.

 

Những thực tế trên đang đặt ra câu hỏi là liệu thành phố Hà Nội đưa ra chính sách sử dụng và thu hút nhân tài đã thực sự khoa học, đủ sức cạnh tranh hay chưa?

 

“Chảy máu chất xám” ra nước ngoài?

 

Hiện nay, có một thực tế đang diễn ra là, nhiều thủ khoa tốt nghiệp ĐH xong đã không chọn đi làm ngay mà họ chọn con đường tiếp tục học lên bậc cao hơn hoặc sang nước ngoài học tập.

 

Theo quy định của các trường ĐH, Học viện, những thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc sẽ được nhà trường tiếp nhận ngay để học lên thạc sĩ, tiến sĩ nên có 60 - 70% số thủ khoa tiếp tục nâng cao trình độ ở trong nước cũng như nước ngoài.

 

Ngoài ra, có một số thủ khoa đã đồng ý làm việc ở các cơ quan Nhà nước nhưng được một thời gian thì cũng xin nghỉ, chuyển sang làm việc ở những nơi hấp dẫn hơn hoặc tìm kiếm cơ hội học tập ở nước khác. Như vậy là dù từng có được nhân tài nhưng các địa phương vẫn phải chấp nhận “thả” họ ra khi không thể... giữ nổi.

 

Việc các thủ khoa chọn con đường tiếp tục học tập để nâng cao trình độ là sự lựa chọn chính đáng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là sau khi học tập ở nước ngoài xong, nhiều người trong số những thủ khoa trên đã quyết định ở lại sinh sống, làm việc. Trong khi đó, Việt Nam lại đang thiếu và rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.

 

Một đất nước muốn phát triển và hội nhập nhanh chóng với thế giới là biết tận dụng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Nhìn lại sự việc trong 10 năm qua, gần 1.100 thủ khoa được vinh danh nhưng chỉ có 1/10 trong số đó về làm việc tại các cơ quan hành chính thuộc Hà Nội mới thấy thật đáng buồn làm sao.

 

Các cơ quan ở Hà Nội mà người tài chẳng màng tới như vậy thì những địa phương khác sẽ như thế nào? Và nếu tình trạng này kéo dài thì liệu trong tương lai, Việt Nam có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển đất nước hay không? Đây thực sự là vấn đề đáng suy nghĩ đối với các địa phương trong cả nước./.