Tưởng con chậm nói - hóa ra tự kỷ

10:07, 27/08/2012

Xã hội ngày càng phát triển, trẻ em mắc bệnh tự kỷ càng nhiều. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ rất quan trọng trong uốn nắn và phát triển nhân cách của trẻ sau này. Nếu được điều trị sớm, trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống, còn nếu không được điều trị trẻ sẽ không nói được, sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, qua 10 tuổi dễ bị tâm thần…

Chị Nguyễn Thị H. phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) vẫn nghĩ con gái mình chậm nói nên đến khi cháu được gần 30 tháng tuổi, chị H. mới đưa đi khám ở Bệnh viện Nhi (Hà Nội) thì được bác sĩ thông báo cháu bị tự kỷ. Chị lên mạng tìm hiểu về căn bệnh này thì thấy con mình có nhiều biểu hiện mà lâu nay chị không để ý và chưa hiểu nên cứ nghĩ con mình phát triển bình thường.

 

Chị H. nói: Khi cháu được 2 tuổi, mọi người cũng khuyên cho cháu đi nhà trẻ để được chăm sóc, dạy dỗ nhưng mới đi được 1 tuần thấy cháu ốm nên tôi cho ở nhà. Cháu chơi rất ngoan, có thể tự xem ti vi và chơi đồ chơi cả ngày, nhưng chỉ chậm nói. Khi biết cháu bị tự kỷ, tôi đã đưa đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (CH&PHCN) thuộc Sở Lao động - TBXH điều trị được 3 ngày rồi. Tôi hy vọng bệnh của cháu được phát hiện sớm sẽ điều trị khỏi.

 

Trường hợp của cháu M. là một trong gần 10 trẻ tự kỷ được Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh tư vấn, hướng dẫn điều trị tại Bệnh viện CH&PHCN. Được biết, bệnh tự kỷ ở trẻ mới được Bệnh viện đưa vào điều trị gần 1 năm nay. Ông Đào Văn Dũng, Trưởng khoa PHCN cho biết: Tự kỷ không điều trị hoàn toàn bằng thuốc mà cần phải can thiệp về ngôn ngữ, hoạt động trị liệu và sinh hoạt tập thể. Hiện Bệnh viện có 3 kỹ thuật viên đang điều trị ngoại trú cho 17 trẻ. Bệnh này phải điều trị trong thời gian dài, nhưng hiện nay, cơ quan bảo hiểm chỉ chấp nhận thanh toán 1 đợt điều trị là 52 buổi, vì thế sự hợp tác của gia đình là rất cần thiết.

 

Những biểu hiện thường gặp ở trẻ tự kỷ đó là chậm nói (2- 3 tuổi vẫn chưa biết nói), hay nói lặp, cách hiểu đơn giản, thiếu quan hệ tiếp xúc về mặt tình cảm với người khác, không bao giờ nhìn thẳng vào người đối diện. Những trẻ này thường say mê một vật gì đó quá đáng, lúc nào cũng giữ và ôm khư khư trong tay. Chúng rất thích sắp xếp đồ vật theo thứ tự, ngăn nắp một cách kỳ lạ và có biểu hiện hung hăng khi thứ tự đó bị xáo trộn. Trẻ mắc bệnh tự kỷ giỏi học vẹt, hình thức bề ngoài có vẻ linh hoạt, thông minh khác hẳn với các trẻ chậm phát triển trí tuệ.

 

Theo các chuyên gia tâm lý, nếu cha mẹ chú ý có thể phát hiện bệnh khi trẻ mới ở tháng đầu sau khi sinh. Đối với những đứa trẻ bình thường, chúng có thể nghe và ngửi được mùi của mẹ, khi được mẹ ôm vào lòng sẽ có biểu hiện khoan khoái dễ chịu nhưng trẻ tự kỷ thì không tiếp nhận được bằng các giác quan. Thường thì trẻ 3 tháng có thể tự ngóc đầu được nhưng trẻ tự kỷ không thể làm như vậy, khi được bồng bế cơ thể như đờ ra. Lúc 6 tháng tuổi, trẻ tự kỷ sẽ có biểu hiện quá ngoan hoặc quá hung hăng, không cười, nhìn xa xôi, không bám lấy mẹ (ai bế cũng được), không biết cách ôm ấp lại mẹ, không biết phát âm những tiếng đơn giản như a, à, ba... Trẻ bình thường ở độ tuổi này rất thích đồ chơi nhưng trẻ mắc bệnh tự kỷ lại không chú ý đến. Khi được 1 tuổi, trẻ tự kỷ vẫn không tiếp xúc bằng mắt, không biết bắt chước, thờ ơ với tiếng động. Lên 2 tuổi, trẻ có những vận động bất thường như đi bằng đầu ngón chân, ngồi hay lắc người, vặn xoắn tay chân... Ngôn ngữ lặp lại, tiếp xúc kém, tình cảm nghèo nàn, vệ sinh chưa tự chủ.

 

Chị Vũ Thị Vân, Kỹ thuật viên can thiệp ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, Bệnh viện CH&PHCN cho biết: Phương pháp để điều trị chứng tự kỷ là chương trình giáo dục sâu rộng và có hệ thống, bao gồm việc chú trọng phát triển kỹ năng ngôn ngữ và xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, có nhiều phương pháp được xem là có hiệu quả. Tuy nhiên không có một phương pháp chung nào dành cho mọi đứa trẻ bị tự kỷ, mỗi đứa trẻ cần một phương pháp toàn diện, điều độ và nhất quán của các thầy thuốc, cha mẹ và gia đình. Đặc tính của trẻ rất nhanh chán, nên tùy từng lứa tuổi mà trong một buổi học ngôn ngữ chúng tôi sẽ hướng dẫn nhiều nội dung: nhận biết các vật qua hình ảnh, câu đố, bài hát trẻ con; vận động tay đơn giản như xé giấy, tô màu, nặn đất, tập ghép hình; vận động chân tay như chơi bóng, cầm nắm các đồ vật để trẻ quen dần với cảm giác được tiếp xúc… Vì thời gian tiếp xúc với trẻ tại Trung tâm ngắn (từ 30-40 phút/buổi) nên sau khi dạy trực tiếp cho trẻ, chúng tôi còn hướng dẫn cha mẹ để họ tập thêm tại gia đình.

 

Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh, hiện nay, trên địa bàn Thái Nguyên có 0,1% trẻ mắc bệnh tự kỷ. Hiện nay, nhiều bà mẹ chỉ quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng mà ít quan tâm đến kỹ năng chơi và giao tiếp với trẻ. Để tránh cho trẻ nguy cơ mắc bệnh tự kỷ, các bà mẹ cần sớm tìm hiểu, học hỏi cách chơi và trò chuyện với trẻ để giúp trẻ phát triển năng lực…