Cha mẹ cần tạo môi trường giúp trẻ tập trung lâu hơn

14:30, 16/09/2012

Cha mẹ nên tạo môi trường để trẻ tự tập trung, ghi nhớ và giải quyết vấn đề bằng chính khả năng của mình  

“Hãy để cho trẻ phát triển tự nhiên” là thông điệp được đưa ra tại buổi tọa đàm Giải pháp cải thiện khả năng học hỏi ở trẻ” do báo điện tử Giáo Dục Việt Nam vừa phối hợp với một số cơ quan tổ chức tại Hà Nội.

 

Tham gia buổi tọa đàm, các chuyên gia trong các lĩnh vực giáo dục, dinh dưỡng, tâm lý đã chia sẻ những kiến thức nhằm giúp các ông bố, bà mẹ hiểu nguyên nhân, biểu hiện và giải pháp trong vấn đề trẻ mất tập trung, cải thiện khả năng học hỏi của trẻ.

 

Tại buổi tọa đàm, các bậc phụ huynh thường phàn nàn về sự thiếu tập trung lâu dài ở trẻ và cảm thấy lo lắng, sợ con mình sẽ mắc phải triệu chứng này. Tư vấn về tình trạng này, Tiến sĩ Lê Văn Hảo (Viện Tâm lý học Việt Nam) cho biết: Sự thiếu tập trung lâu dài là một triệu chứng có thể bị mắc phải do xuất hiện bất thường của các chất hóa học trong não bộ, nhưng triệu chứng đó có thể tự kết thúc. Phần lớn bệnh xuất hiện do nguyên nhân xuất phát từ phương pháp nuôi dưỡng con trẻ không phù hợp từ khi trẻ còn nhỏ.

 

Triệu chứng của bệnh thường biểu hiện như: Trẻ làm việc gì chưa lâu đã ngưng, không thể chú ý đến sự việc hay đồ vật trước mặt trong thời gian lâu, thường xuyên lơ đãng. Nếu còn nhỏ, trẻ sẽ chơi đồ chơi này chưa lâu lại tiếp tục thay đồ chơi khác, thường nghịch ngợm, không thể ngồi yên một lát, làm gì cũng vội vã, mạnh tay, không chịu được sự chờ đợi hay không chịu được khi phải tuân theo nội quy kỷ luật.

 

Chia sẻ lo lắng của các bậc phụ huynh về hiện tượng thiếu sự tập trung lâu dài ở trẻ, các chuyên gia cho biết, đây không phải bệnh lý, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ tránh được các hiện tượng trên.

 

Theo Tiến sĩ Lê Văn Hảo, cách phòng tránh hiện tượng trên là cha mẹ cần quản lý, chăm sóc và tạo môi trường tác động giúp con có sự quan tâm, chú ý với các sự việc trước mắt mình. Cha mẹ cần chú ý 3 việc quan trọng trong quy trình học hỏi, học tập của trẻ. Đó là thúc đẩy trẻ tập trung, ghi nhớ và giải quyết vấn đề bằng chính khả năng của mình.

 

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Thắm, Vụ phó Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, hiện nay việc bắt ép con trẻ học quá sức làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và kết quả học tập của trẻ. Theo bà, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1, bởi điều này hoàn toàn phản khoa học, làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như kết quả học tập của trẻ./.