Đầu tư thích đáng cho bậc học đầu đời

08:43, 17/09/2012

Đến thời điểm này đã có 97 xã, phường, thị trấn với 119 trường mầm non (MN) trong toàn tỉnh hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi (PCGDMNCTENT). Đây là cơ sở thuận lợi để đến năm 2014, Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu PCGDMNCTENT về trước kế hoạch 1 năm...

Quyết liệt trong triển khai thực hiện

 

Theo đồng chí Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Giáo dục MN Sở GD & ĐT: Với trách nhiệm của cơ quan thường trực chủ trì trong việc triển khai tổ chức thực hiện Chương trình PCGDMNCTENT, ngay sau khi Đề án PCGDMNCTENT giai đoạn 2010-2015 được Chính phủ phê duyệt và triển khai, Ngành đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án trình HĐND tỉnh phê duyệt.  Đi đôi với việc kiện toàn Ban chỉ đạo PCGDMN từ tỉnh đến cơ sở, hoạt động kiểm tra nắm bắt tình hình thực tế tại từng địa phương cũng được Ngành tập trung thực hiện.

 

Trên cơ sở xác định rõ các nguồn lực trong công tác PCGDMNCTENT, việc xây dựng kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như thực hiện chính sách cho đội ngũ giáo viên đã được triển khai đồng bộ. Chỉ tính riêng trong năm học 2011-2012, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư trên 153 tỷ đồng cho việc tập huấn đội ngũ giáo viên, mua sắm đồ chơi ngoài trời, trang thiết bị dạy học tối thiểu, phần mềm phổ cập, mà lớn nhất là nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các phòng học, phòng chức năng (105 tỷ đồng).

 

Bên cạnh đó, việc phát triển mạng lưới trường lớp và huy động trẻ đến trường cũng được tập trung thực hiện. Tỷ lệ huy động trẻ đến các cơ sở giáo dục tăng ở tất cả các độ tuổi, đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ tăng từ 1-2%, riêng các cháu mẫu giáo 5 tuổi là 16.730 cháu, bằng 101,5% (số vượt trên có cả các cháu ngoại tỉnh vùng giáp ranh); 100% các cháu được chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày.

 

Hiện nay, các trường MN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đại trà chương trình giáo dục MN mới, phân công đủ giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực để dạy các lớp mẫu giáo 5 tuổi với định biên 1,88 giáo viên/lớp. Đồng thời, nhiều trường đã ứng dụng công nghệ thông tin, nối mạng Internet và sử dụng các phần mềm Kismart, Nutrikids, Happykid…. để hỗ trợ nâng cao chất lượng nuôi, dạy trẻ….

 

Sau gần 2 năm quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 97/181 xã, phường, thị trấn, bằng 53,59% và 119/210 trường bằng 56,66% hoàn thành mục tiêu phổ cập. Tiêu biểu là huyện Đại Từ có 22/31 xã, thị trấn với 24 trường hoàn thành mục tiêu phổ cập.

 

Nỗ lực để về trước kế hoạch

 

Mặc dù đối chiếu với các chỉ tiêu đề ra trong công tác PCGDMNCTENT vấn đề đội ngũ nhà giáo, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ đều đạt kết quả tốt, song để Thái Nguyên hoàn thành thực hiện Đề án theo tinh thần Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh về trước kế hoạch của Chính phủ đề ra 1 năm thì chúng tôi nhận thấy công tác PCGDMNCTENT ở một số địa phương còn phải đối mặt với không ít khó khăn, trong đó, nổi cộm nhất là việc thiếu cơ sở vật chất tại các trường MN thuộc địa bàn nông thôn, miền núi, vùng cao.

 

Trường MN xã Yên Trạch (Phú Lương) là một ví dụ. Theo cô giáo Trịnh Thị Cúc, Hiệu trưởng Nhà trường: Điều lo lắng nhất của chúng tôi khi thực hiện công tác PCGDMNCTENT không phải là việc vận động các cháu ra lớp mà là thiếu thốn về cơ sở vật chất. Năm học 2012-2013, toàn trường có 346 cháu thì có 93 cháu độ tuổi mẫu giáo MN 5 tuổi ra lớp (đạt 100% kế hoạch), có 2 cháu con em người Bắc Cạn cũng học tại đây. Thực tế tại điểm trường chính tại xóm Đin Đen chúng tôi nhận thấy, do thiếu lớp học nên  Trường phải tổ chức cho 3 lớp tại nhà hiệu bộ, phòng hội đồng một nhóm trẻ phải học tại gian ở nhà công vụ của giáo viên. Điểm trường thứ hai ở khu Bản Héo phải học nhờ nhà văn hóa.

 

Về các trang thiết bị cũng còn thiếu nhiều, nhất là máy tính, máy chiếu, đồ dùng đồ chơi ngoài trời, tranh ảnh theo chủ đề…Tường rào được làm tạm bằng tre nứa. Mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2010, nhưng khi thực hiện công tác PCGDMNCTENT thì cơ sở vật chất của Trường MN Yên Lãng (Đại Từ) lại thiếu phòng học và phòng chuyên môn. Theo cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Nhà trường năm học này trường huy động được 118 trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp. Để đảm bảo yêu cầu dạy và chăm sóc trẻ thì Nhà trường còn thiếu 3 phòng học và phòng Kismart. Về đồ chơi ngoài trời theo Quy định số 02/2010/TT-BGD & ĐT của Bộ GD & ĐT cũng chưa được trang bị đủ vì thế cũng ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

 

Không chỉ ở các huyện miền núi, vùng cao còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất dạy học mà ngay một số trường ở khu vực T.P Thái Nguyên cũng gặp phải cảnh tương tự. Do thiếu phòng học nên các lớp bình quân đều phải bố trí trên 40 cháu/lớp, có lớp lên đến gần 50 cháu (trong khi quy định lớp mẫu giáo 3-4 tuổi là 25 cháu/lớp. Đến Trường MN Tân Thịnh T.P Thái Nguyên tham quan các lớp học, chúng tôi nhận thấy mỗi lớp học bố trí trung bình trên 40 cháu. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Nhà trường thì trường có 2 phân hiệu. Do thiếu về cơ sở vật chất nên tỷ lệ huy động trẻ trên địa bàn phường cũng chỉ đạt khoảng trên 50%.

 

Thực hiện công tác phổ cập, Nhà trường mong muốn UBND Phường tiếp tục quan tâm, giải phóng mặt bằng để Trường mở rộng thêm diện tích đảm bảo quy chuẩn của trường chuẩn Quốc gia. Song quan trọng hơn giúp Trường tuyển sinh tối đa các cháu trên địa bàn phường cũng như xây dựng một môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc tốt nhất cho các cháu…

 

Theo lộ trình, năm 2013 toàn tỉnh phấn đấu có thêm 62 xã và 4 địa phương là T.P Thái Nguyên, Đại Từ, Phổ Yên và T.X Sông Công hoàn thành mục tiêu PCGDMNCTENT. Số đơn vị còn lại sẽ được tiếp tục hoàn thành việc công nhận phổ cập vào năm 2014. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, về trước kế hoạch 1 năm, theo đồng chí Bùi Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD & ĐT: Ngay từ đầu năm học này, Ngành Giáo dục tiếp tục phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường, lớp.

 

Bên cạnh việc giữ vững tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp, đi đôi với nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ là tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên ngân sách chi thường xuyên và các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn thiếu thốn về lớp học, các phòng chức năng. Đồng thời trang bị đủ các thiết bị, đồ chơi, đồ dùng theo quy chuẩn. Đẩy mạnh công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, ưu tiên ở các xã, phường, thị trấn làm điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới…