Đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung

08:56, 20/09/2012

Những năm qua, nền giáo dục, đào tạo của T.P Thái Nguyên không ngừng phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của Thành phố...

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Đài, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Cương (nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Cương, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố) bày tỏ sự lạc quan, phấn khởi với chúng tôi khi nói về sự phát triển của nền giáo dục, đào tạo Thành phố. Theo ông, đó là thành quả của lớp lớp các thế hệ nhà giáo yêu nghề, mến trẻ, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người” cao cả. Đó cũng là kết quả của sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành uỷ, UBND Thành phố qua các thời kỳ cùng sự chung tay của cả cộng đồng. 

 

 

Trong ký ức của nhà giáo Nguyễn Đình Đài, vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, cả Thành phố chỉ có 1 trường mẫu giáo và hơn chục trường phổ thông (cấp I, cấp II), đầu những năm 70 mới có duy nhất Trường Cấp II Nha Trang (nay là Trường Tiểu học Nha Trang, phường Phan Đình Phùng) có nhà lớp học 2 tầng - niềm mơ ước của những người làm trong ngành Giáo dục nói riêng cũng như của toàn xã hội. Các trường còn lại trong khu vực nội thị đều gồm những nhà cấp bốn, ở các xã vùng ven là những phòng học tranh tre nứa lá, đơn sơ, tạm bợ. Nói chung là cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường thiếu thốn đủ bề, đội ngũ giáo viên cũng thiếu hụt trầm trọng, nhưng không vì thế mà chất lượng dạy học bị xem nhẹ. Biết bao những tài năng đã được “ươm mầm”, hàng vạn học trò của Thành phố Thép đã trưởng thành từ những mái trường đơn sơ như thế. Càng ngẫm lại, những nhà giáo thuộc thế hệ như ông càng cảm thấy vinh dự, tự hào…

 

Trên đà phát triển mạnh mẽ của Thành phố, nhất là trong giai đoạn đổi mới, giáo dục, đào tạo tiếp tục được ưu tiên đầu tư về mọi mặt. Đầu những năm 80, thế kỷ XX, Thành uỷ Thái Nguyên đã ra Nghị quyết Kiên cố hoá trường lớp học, đầu tư trang thiết bị giáo dục, nhằm từng bước “gạch hoá”, xoá bỏ các phòng học tạm bợ, đơn sơ. Chủ trương này được Thành phố kiên trì thực hiện bằng cách kết hợp nguồn vốn cân đối từ ngân sách với các nguồn lực của các chương trình mục tiêu, từ Trái phiếu Chính phủ, từ nguồn xã hội hoá. Theo số liệu thống kê thì chỉ tính từ năm 2006 đến nay, số tiền đầu tư cho kiên cố hoá trường lớp học của Thành phố đạt gần 300 tỷ đồng, riêng năm 2012 vào khoảng 30 tỷ đồng (số tiền đầu tư từ ngân sách Thành phố cho lĩnh vực này năm sau luôn cao hơn năm trước), số phòng học kiên cố trên địa bàn hiện đạt trên 80%. Trong 5 năm tới, Thành phố đặt ra kế hoạch xây mới 311 phòng học kiên cố, sửa chữa 157 phòng học cấp bốn, xây mới hàng trăm nhà hiệu bộ và phòng chức năng; thành lập và xây mới 5 trường học khác… Mạng lưới, quy mô giáo dục cũng vì thế mà không ngừng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu xã hội.

 

Song song với đó, Thành phố coi trọng công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia: Đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đạt chuẩn; thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; thực hiện tốt xã hội hoá giáo dục… Từ trường học đạt chuẩn Quốc gia đầu tiên vào năm 1998 (Trường Tiểu học Nha Trang) đến nay, Thành phố đã có 67/99 trường đạt tiêu chí này, trong đó có 6 trường chuẩn Quốc gia mức độ 2. Vấn đề nữa được Thành phố quan tâm là việc chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (có cơ chế khuyến khích cán bộ, giáo viên học tập, nâng cao trình độ; thực hiện hiệu quả công tác luân chuyển; chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý…). Trên tổng số hơn 2.000 cán bộ, giáo viên thuộc Thành phố quản lý thì hiện 100% đạt chuẩn, gần 70% có trình độ trên chuẩn.

 

Đó là những tiền đề cơ bản để Thành phố nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trên địa bàn- năm học vừa qua, Thành phố đã huy động được 93,5% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%; trên 99% trẻ hoàn thành chương trình tiểu học đúng độ tuổi; 28/28 xã, phường đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 99,8% học sinh hết lớp 9 được công nhận tốt nghiệp; hàng trăm học sinh các cấp đạt giải trong các kỳ thi…

 

Tuy nhiên, các cấp lãnh đạo, những người quan tâm đến nền giáo dục, đào tạo của Thành phố vẫn còn đó không ít băn khoăn, trăn trở bởi còn những hạn chế do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan đưa đến mà chưa thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Trao đổi về “một góc” trong đó, đồng chí Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết: Thành phố đang dành sự ưu tiên lớn cho cấp học mầm non bằng cách đầu tư mở thêm trường mới, kiên cố hoá các phòng học, xây dựng các bếp ăn và nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho việc thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập (nhất là giáo dục mầm non), kể cả các loại hình đào tạo quốc tế. Một trong những hướng đột phá sẽ được Thành phố thực hiện trong thời gian tới là xây dựng ở mỗi cấp học ít nhất một trường chất lượng cao, với vai trò như những hình mẫu giáo dục, đồng thời là nơi bồi dưỡng nhân tài, chất lượng mũi nhọn của Thành phố.