Vào lớp 1, chuyển từ học mà chơi sang học theo tiết với nhiều đứa trẻ là một giai đoạn đầy khó khăn. Trong khi đó, không ít ông bố, bà mẹ không những thiếu kiến thức và kỹ năng để giúp con tập trung vào việc học mà còn gây áp lực không nhỏ cho chúng bằng mong muốn con phải học giỏi.
Bởi thế, tọa đàm "Giải pháp cải thiện khả năng học hỏi của trẻ" do Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức cuối tuần qua thực sự mang lại nhiều trải nghiệm cho những người làm cha, mẹ.
Chuẩn bị từ sớm nhưng phải đúng cách là điều nhiều bà mẹ đã rút ra được sau khi nghe Viện phó Viện Dinh dưỡng - PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Vụ phó Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Thắm và TS tâm lý Lê Văn Hảo cung cấp thông tin khoa học và những lời khuyên bổ ích. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, 3 tháng cuối thai kỳ cho đến 2 tuổi là giai đoạn vàng trong quá trình phát triển não bộ của trẻ, bởi khi đứa trẻ lên 2 não bộ đã đạt 80% trọng lượng não người trưởng thành. Phần não trán, chiếm 1/3 não bộ, làm nhiệm vụ trung tâm hình thành sự thông minh, đóng vai trò quan trọng với tiềm năng học tập của trẻ. Đặc biệt, phần não này phát triển rất nhanh so với các phần khác ngay từ khi trẻ trong bụng mẹ cho đến 2 tuổi. Trong giai đoạn này, phần não trán cần một lượng lớn DHA, để tập hợp quá trình suy nghĩ, lên kế hoạch và hoạt động của cơ thể - nền tảng quan trọng cho quá trình học hỏi sau này của trẻ. Chuyên gia dinh dưỡng giải thích, DHA là một axit béo thuộc nhóm omega 3 có một đặc điểm quan trọng là cơ thể không thể tự tổng hợp được mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm. Nhưng trong những năm đầu đời, trẻ không ăn được nhiều loại thực phẩm khác nhau và thường thiếu DHA, ví dụ như để có 100mg DHA mỗi ngày, trẻ phải ăn 4 quả trứng hoặc 7 cái đùi gà chiên hay 30-40 gram cá. Trong khi đó đối với trẻ sơ sinh (từ 9 đến 12 tháng) hàm lượng DHA cần thiết là 17mg/100 kcal, với trẻ nhỏ (từ 1 đến 6 tuổi) là từ 75mg/ngày (tùy theo lứa tuổi và cân nặng). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiếu DHA trong quá trình phát triển, trẻ sẽ có chỉ số IQ thấp, cụ thể nếu được bổ sung sớm với hàm lượng đúng DHA là 17mg/100kcal và ARA 34mg/kcal thì trẻ 9 tháng tuổi sẽ tập trung, ghi nhớ tốt hơn; 75mg/ngày với trẻ trên 1 tuổi thì đến 18 tháng, chỉ số phát triển trí tuệ của trẻ cao hơn 7 điểm, đến 48 tháng chỉ số IQ ngôn ngữ cao hơn 6 điểm so với trẻ không được bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ. Bởi vậy, lời khuyên dành cho các bà mẹ là chú ý bổ sung các thực phẩm nhiều DHA như cá, thủy sản trước và trong khi mang thai; cho con bú ít nhất trong 6 tháng đầu; đối với trẻ nhỏ, ngoài chế độ ăn cần bổ sung sữa có chứa DHA với lượng 500-600ml mỗi ngày.
Cùng với chuẩn bị đúng và sớm về chế độ dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý TS Lê Văn Hảo đã đem đến những phân tích tâm lý khá thú vị và từ đó ông đưa ra những lời khuyên hữu ích để cha mẹ giúp con tập trung, ghi nhớ và giải quyết vấn đề - 3 việc quan trọng giúp trẻ học tốt. Làm sao để giúp trẻ tập trung? Câu trả lời của chuyên gia tâm lý khá đơn giản, ai cũng có thể thực hiện như tạo môi trường học tập tốt như tắt tivi; rèn luyện khả năng tập trung bằng những trò chơi như tô vẽ, nghe câu chuyện rồi kể lại; duy trì sự tập trung bằng cách thiết lập thời gian biểu...