Năm học 2012-2013 vừa mới bắt đầu, nhưng những dư luận về chiếc bút điện tử, đã khiến cho niềm vui được học tiếng Anh của học sinh và phụ huynh không trọn vẹn…
Năm học 2012-2013 vừa mới bắt đầu, nhưng những dư luận về chiếc bút điện tử, một trong nhiều loại thiết bị hỗ trợ dạy học ngữ âm, đã khiến cho niềm vui được học tiếng Anh một cách bài bản từ lớp 3 của học sinh và phụ huynh không trọn vẹn. Liệu thiết bị hỗ trợ dạy và học này có quyết định sự thành bại của một đề án được xây dựng và thực hiện bằng quyết tâm của Chính phủ và toàn ngành giáo dục như người ta đang bàn tán ?
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (Đề án) chính thức được triển khai từ năm học 2010-2011, với việc thí điểm dạy tiếng Anh lớp 3. Đến nay, tiếng Anh đã được dạy và học đại trà ở lớp 3, 4; đang thí điểm lớp 5 và 6. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GD) đã xây dựng và triển khai viết sách giáo khoa (SGK), đồng thời cùng với các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT xây dựng danh mục đồ dùng tối thiểu phục vụ cho dạy và học tiếng Anh gồm 14 thiết bị cần thiết, trong đó ngoài bút điện tử (BĐT) còn có đĩa CD, VCD, bảng tương tác....
BĐT không phải là thiết bị mới và trên thực tế đã được một số nhà trường ở các thành phố lớn đưa vào sử dụng khoảng mươi năm nay. Học sinh có thể dùng BĐT nghe phát âm chuẩn để học theo, bởi vậy, như TS Nguyễn Ngọc Hùng, Thường trực Ban chỉ đạo Đề án từng khẳng định, nơi nào có đài cassette thì không cần phải có BĐT. Còn những nơi có điều kiện, SGK tiếng Anh đã được số hóa nên giáo viên, học sinh có thể kết hợp với nhiều loại thiết bị như đài, USB, BĐT, bảng tương tác để phục vụ cho dạy và học. Tuy nhiên, như đánh giá của GS-TS Hoàng Văn Vân, Tổng chủ biên bộ SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12, thiết bị, nhất là thiết bị công nghệ cao, có vai trò quan trọng, nhưng yếu tố quyết định chất lượng dạy và học vẫn là người dạy và người học, còn thiết bị chỉ là hỗ trợ. Trong chừng mực nào đấy, việc lạm dụng thiết bị dễ khiến giáo viên ỉ lại.
Nhằm chống độc quyền và làm giá, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, cung ứng thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nên bước vào giai đoạn đại trà, ngoài Viện Vật lý (Viện KHCN Việt Nam) đã tham gia trong giai đoạn thí điểm, NXB GD đã tổ chức hội đồng nghiệm thu hồ sơ thiết bị BĐT và kênh Audio dữ liệu SGK tiếng Anh của 4 công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận. Nhờ xã hội hóa việc cung ứng thiết bị công nghệ nhận dạng, kiểm tra đánh giá ngữ âm hỗ trợ dạy và học tiếng Anh nên giá thành của BĐT đã giảm từ 2,5 triệu đồng từ khi chỉ có một đơn vị cung ứng xuống còn khoảng 1,5 triệu đồng. Trong điều kiện hiện nay, giảm giá thành mà vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng đối với người dùng là một lợi ích không nhỏ, không chỉ về kinh tế với người học mà còn góp phần giúp cho việc triển khai đại trà dạy, học tiếng Anh, đặc biệt ở cấp tiểu học, đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, vì hiện chưa có mã nguồn mở nên việc bút nào phải đọc ở sách đó đang gây khó khăn nhất định cho người học. Hiện nay, số SGK lớp 3, 4 đang dạy đại trà được phủ mã code khoảng 155 nghìn cuốn, trong đó Viện Vật lý là 100 nghìn cuốn. Để giúp người học thuận lợi hơn trong việc sử dụng thiết bị công nghệ học tiếng Anh, NXB GD đang nghiên cứu, phối hợp với Đề án để có thể đưa ra một hệ thống mã code chung và một kênh Audio dữ liệu chuẩn tương thích trong thời gian sớm nhất. Có mã code "mở" và kênh Audio dữ liệu chuẩn thì mọi BĐT và mọi thiết bị, kể cả thiết bị do giáo viên, sinh viên tự tạo, cải tiến từ điện thoại di động, máy nghe MP3 cũng có thể dùng được