Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu năm học mới, nỗi lo thường trực của nhiều gia đình, nhất là những hộ có thu nhập thấp, là phải đóng góp rất nhiều khoản tiền do nhà trường cũng như Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh (BĐDHPHHS) đề ra. Mặc dù Bộ GD & ĐT luôn xác định chống lạm thu là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các trường cần quan tâm thực hiện trong năm học, tuy nhiên, như một căn bệnh cố hữu, vừa bước vào năm học mới chưa đầy một tuần thì vấn đề “lạm thu” đã được nhiều cơ quan thông tấn báo chí thông tin. Đây là vấn đề không mới, nhưng vẫn thu hút đông đảo người dân quan tâm.
Gánh nặng
Trước thềm năm học mới, nhiều gia đình, nhất là ở khu vực nông thôn, tất tả lo bán cái nọ, cái kia, thậm chí là vay mượn để mua cho con tấm quần áo mới, cặp, sách giáo khoa cho không tủi thân với bạn bè trong lớp. Nhưng nỗi lo này của họ chưa hết thì lại phải đối diện với gánh nặng đóng góp đầu năm học. Có rất nhiều khoản thu mà các bậc phụ huynh thấy băn khoăn, song vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" mà đóng góp.
Đơn cử ở Trường Tiểu học Túc Duyên, T.P Thái Nguyên, nơi có gần 400 học sinh đang theo học. Năm học 2012-2013, Trường tuyển 3 lớp 1 đầu cấp với 94 học sinh. Qua tìm hiểu được biết, đời sống của các hộ có con theo học ở đây cơ bản là ở mức trung bình, bởi chủ yếu làm ruộng và sống bằng nghề buôn bán nhỏ lẻ. Trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn như hiện nay thì việc đóng góp các khoản đầu năm học cho con em họ là một việc làm mà gia đình nào cũng phải chắt chiu, tính toán. Theo quy định của Luật Giáo dục thì ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, học sinh (HS) không phải đóng bất kỳ khoản phí nào khác.
Quy định là như vậy, nhưng thực tế cứ vào đầu năm học, các bậc phụ huynh vẫn phải đóng góp nhiều khoản phí, quỹ không nằm trong quy định dưới danh nghĩa "tự nguyện" hoặc "xã hội hóa giáo dục". Điều này diễn ra phổ biến đối với những em học sinh đầu cấp. Đơn cử như với học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Túc Duyên thì tổng số tiền phải nộp lên tới 14 khoản, đó là: Quỹ Đội, quỹ vệ sinh, quỹ khuyến học, quỹ cơ sở vật chất, quỹ xã hội hoá giáo dục, quỹ hội cha mẹ HS, quỹ lớp, quỹ gửi xe, tiền nước uống, tiền may đồng phục, tiền bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, tiền giấy thi, sổ liên lạc, sổ khám sức khỏe, thẻ HS… đến tiền bàn ghế … Nếu là HS bán trú thì phải nộp thêm 4 khoản nữa là: đầu vào 270 nghìn đồng/năm; dầu củi, xà phòng, điện 90.000 đồng/năm; phí phục vụ bán trú (nấu ăn, trực trưa, trông trưa, quản lý) 720 nghìn đồng/năm; tiền ăn bán trú thu theo tháng.
Như vậy, tổng thu đầu vào của 1 HS lớp 1 nếu ăn bán trú là 3.297 nghìn đồng; HS không tham gia bán trú là 2037.800 đồng. Còn ở Trường Tiểu học Chiến Thắng, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) số tiền thu và các khoản thu cũng dài dài. Riêng các khoản đóng góp theo thoả thuận đã là 14 khoản, nếu là học sinh đầu vào lớp 1 thì phải nộp thêm 5 khoản nữa là: lớp 1 đầu vào; mua bàn ghế Xuân Hoà; quần áo đồng phục; ảnh, thẻ học sinh; học bạ, sổ khám sức khoẻ. Nếu ăn bán trú phải nộp thêm tiền phục vụ nấu cơm, trông trưa, quản lý…
Lạm dụng cụm từ “xã hội hóa”, “tự nguyện”
Trong các khoản thu đầu năm học mới, nhiều phụ huynh thắc mắc và không hiểu khoản thu theo thỏa thuận, xã hội hóa, tự nguyện mà một số trường đề ra để sử dụng cho mục đích gì? Họ đều cảm thấy không thoải mái khi phải đóng góp các khoản tiền dưới danh nghĩa "tự nguyện". Bởi đã nói là tự nguyện thì không được bình quân hóa, mọi người đóng góp bao nhiêu là tùy thuộc vào điều kiện của các gia đình. Tuy nhiên có một thực trạng đã diễn ra ở rất nhiều trường và có mặt ở tất cả các cấp học, đó là việc thu một số khoản quỹ được gọi là “tự nguyện”, nhưng lại là tự nguyện bình quân hóa đóng góp. Ví dụ như quỹ khuyến học, tiền hỗ trợ cơ sở vật chất, tiền mua bàn ghế, quỹ xã hội hóa giáo dục… không có HS nào đóng ít hoặc nhiều hơn những con số cụ thể đã được đưa ra mà đều có một mức nộp như nhau. Như vậy, thực chất đó có phải là “Tự nguyện” hay không?.
Vẫn biết là trong điều kiện ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục hiện nay còn hạn hẹp, việc các trường phải huy động sự đóng góp thêm từ phía các PHHS để đảm bảo các hoạt động dạy và học là điều dễ hiểu. Nhưng, nhiều trường đã quá lạm dụng cụm từ "xã hội hóa", đề ra nhiều khoản thu tùy tiện, thậm chí còn chồng chéo nhau, gây bức xúc cho các bậc PHHS. Đơn cử như Trường Tiểu học Túc Duyên có 2 khoản thu là quỹ cơ sở vật chất (lớp 1: 120 nghìn đồng, lớp 2: 100 nghìn đồng, lớp 3: 80 nghìn đồng, lớp 4: 70 nghìn đồng và lớp 5 là 60 nghìn đồng) và tiền xã hội hóa giáo dục thì mỗi học sinh đóng 100 nghìn đồng.
Còn ở Trường Tiểu học Chiến Thắng cũng có 2 khoản thu là: Xây tường rào (lớp 1: 92 nghìn đồng/HS, các lớp 2, 3,4,5 mỗi lớp giảm dần 10 nghìn đồng/HS). Khoản tiền thứ hai là sửa chữa lớp học (lớp 1: 60 nghìn đồng, lớp 2: 50 nghìn đồng, lớp 3: 45 nghìn đồng, lớp 4: 40 nghìn đồng, lớp 5: 35 nghìn đồng). Riêng khoản thu này đối với các HS có hộ khẩu không thuộc thị trấn Chùa Hang mức thu ở từng lớp gấp đôi HS có hộ khẩu trên địa bàn thị trấn. Như vậy, ngoài các khoản tiền phải nộp đầu năm học mới như: đồng phục, nước uống, quỹ Ban đại diện trường, quỹ khuyến học, quỹ Đội, bảo hiểm… thì mỗi HS phải đóng góp số tiền "xã hội hóa" để xây dựng cơ sở vật chất nhà trường là không nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi liên hệ với nhiều phụ huynh HS để hỏi về vấn đề “lạm thu” đầu năm học mới thì không ai dám công khai lên tiếng phản đối, mặc dù trong lòng có rất nhiều bức xúc.
Nhà trường và cơ quan chức năng nói gì?
Trả lời câu hỏi vì sao lại có nhiều khoản thu như thế, bà Lê Thị Hoàng Thuý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Túc Duyên cho rằng: Nhà trường đã họp và thống nhất với BĐDHPHHS, được phụ huynh thống nhất, đa làm tờ trình gửi Phòng GD&ĐT T.P (Thái Nguyên), UBND phường và đã được sự đồng ý… Một phần nữa là do Nhà trường tiếp tục củng cố cơ sở vật chất để giữ vững danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia…
Ông Nguyễn Bá Giảng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiến Thắng cũng lý giải tương tự. Đem vấn đề trên trao đổi với ông Đào Xuân Tân, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT, ông Tân khẳng định với chúng tôi: Trong nhà trường chỉ có 2 khoản thu chính là học phí (một số bậc học không phải nộp học phí) và lệ phí (thi tuyển sinh, phục vụ các kỳ thi…). Trong khi triển khai nhiệm vụ đầu năm học mới ở các cấp học, bậc học, chúng tôi đều nhấn mạnh việc phải bàn bạc công khai, dân chủ các khoản thu, chi, đóng góp của các trường tới các bậc phụ huynh. Sở cũng đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở các trường. Đối với những khoản thu tự nguyện (không bắt buộc) thì yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc quy định không được thu bình quân hóa. Đầu tháng 10 này, Sở sẽ thành lập một số đoàn đi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới ở một số cơ sở giáo dục, trong đó có kiểm tra các khoản đóng góp. Nếu phát hiện trường nào thu sai quy định, lạm thu thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ có biện pháp xử lý”…
Tại Điều 9, Điều lệ BĐDHCMHS có quy định: “Cha mẹ HS có quyền từ chối mọi khoản đóng góp khi được BĐDHCMHS của lớp, của trường yêu cầu nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện”. Năm ngoái, tại Đà Nẵng đã có 1 hiệu trưởng bị kỷ luật vì để xảy ra lạm thu. Năm nay, khi phụ huynh Trường Mầm non Định Công (Thanh Hóa) phản đối những khoản thu vô lý của Nhà trường bằng cách cho con nghỉ học, chính quyền đã đình chỉ chức vụ hiệu trưởng để làm rõ sai phạm… Đó là một trong những cách xử lý triệt để nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Rõ ràng, chế tài nghiêm, lạm thu sẽ giảm. Từ trước đến nay, lạm thu chưa được chấn chỉnh là do việc xử lý chưa đến nơi đến chốn, chế tài còn nhẹ. Về nguyên tắc, để xảy ra lạm thu thì hiệu trưởng phải bị xử lý.