Thời gian gần đây, dư luận xã hội, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và các em học sinh không khỏi bàng hoàng, đau đớn trước những vụ học sinh tự tử vì những lý do tưởng như rất đơn giản. Hiện tượng này đã gióng lên hồi chuông báo động đối với gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo số liệu thống kê gần đây của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ tự tử trên thế giới ở nhóm tuổi từ 12-15 là 97-131 người/100.000 dân; nhóm tuổi từ 16-20 là 277-341 người/ 100.000 dân. Tỉ lệ này đang có xu huớng gia tăng và trẻ hoá. Theo đó, dự báo đến năm 2020, tự tử sẽ là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và hàng thứ 2 ở các nước đang phát triển.
Ở Việt Nam, tự tử trong thanh thiếu niên cũng có xu hướng trẻ hóa và gia tăng nhưng chưa có những thống kê chính xác, trong khi đây lại là một dữ liệu rất cần thiết để định hướng và xây dựng những biện pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu tình trạng tự tử. Chỉ từ đầu năm 2012 tới nay, cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp tự tử đau lòng của các học sinh từ lớp 7 đến lớp 12, phần lớn là nữ.
Nữ sinh K.O lớp 12 của trường THPT tư thục Đông Quan (huyện Đông Hưng, Thái Bình) đã nhảy từ tầng 2 xuống đất tự tử trong giờ học môn Toán ngày 7-1-2012 do cô yêu cầu chép lại lời giải của những bài làm sai.
Em L.T.H, học sinh Trường THCS xã Cẩm Ðiền (Cẩm Giàng, Hải Dương) tự tử vì bị nghi ăn cắp quần bò trong một cửa hàng thời trang, ngày 10-2-2012.
Ngày 21-2, em Sùng A Tùng, học sinh lớp 8A1 Trường Dân tộc bán trú THCS Sa Dung (huyện Điện Biên Đông – tỉnh Điện Biên) thích một nữ sinh lớp 6 cùng trường nhưng do cô bé này dành tình cảm cho một người khác nên Tùng quyết ăn lá ngón để từ giã cuộc đời.
Một nữ sinh lớp 12 chuyên Anh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) bất ngờ thắt cổ tự tử tại ký túc xá ngày 28-2 khiến nhà trường, gia đình, bè bạn bàng hoàng.
3 em: Lê Thị Bích Loan, Nguyễn Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, sinh năm 1998, học lớp 7A trường THCS Phan Chu Trinh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) rủ nhau chết tập thể ở trường vào tháng 3-2012 do đánh mất sổ đầu bài của lớp.
Chỉ vì chiếc điện thoại di động bị hỏng, bố dặn dò: "Con dùng điện thoại phải giữ cẩn thận, hỏng bố không có tiền sửa cho con đâu!", em Lầu Thị Dế, học sinh lớp 11, Trường Dân tộc nội trú huyện Điện Biên Đông đã bỏ nhà đi, tìm đến cái chết bằng lá ngón vào ngày 12-3.
Ngày 8-10, em Nguyễn Thị C.T. sinh năm 1998, học sinh lớp 9/6 trường THCS Trung Lập, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã dại dột uống thuốc diệt cỏ tự tử chỉ vì làm mất hơn 600 nghìn tiền quỹ lớp không có tiền trả.
Em Nguyễn Thị L. - lớp trưởng lớp 10A10, Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) tự tử vì đánh mất 500.000 đồng tiền quỹ lớp vào ngày 20-10…
Sự ra đi của các em để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình, người thân; gióng lên những hồi chuông cảnh báo trong toàn xã hội.
Nhìn lại những vụ tự tử nói trên, dễ dàng nhận ra là các em tự tử vì những lý do tưởng như quá đỗi bình thường: bị yêu cầu chép lại bài, bị nghi là ăn cắp, làm mất sổ đầu bài, làm mất tiền quỹ lớp, bố mẹ trách mắng… Phần lớn các em đều là những học sinh chăm ngoan, ý thức kỷ luật tốt, kết quả học tập khá giỏi. Lý do gì khiến các em dễ dàng từ bỏ cuộc sống, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình, nhà trường và xã hội?
Nguyên nhân sâu xa là do chính bản thân các em. Đó không chỉ đơn thuần là do khủng hoảng lứa tuổi mà là do sự yếu kém về tự chủ, thiếu ý thức quý trọng giá trị bản thân và mất khả năng kiểm soát cảm xúc. Lứa tuổi dưới 18, trẻ đang diễn ra sự thay đổi về cả sinh lý lẫn tâm lý. Ranh giới giữa trẻ con và người lớn quá mong manh, trong khi nhu cầu khẳng định "cái tôi" ở trẻ lại trỗi dậy. Các em xuất hiện tâm lý khẳng định mình với nhu cầu coi mình là người lớn, đối xử với mình như với người trưởng thành. Do đó, khi bị xúc phạm, dù là nhỏ nhất, hoặc có cảm giác bị xúc phạm, các em dễ bị tổn thương, coi đó như một cú sốc, không thể vượt qua và tìm cách khẳng định mình qua cái chết.
Khi được hỏi về vấn đề đã bao giờ có ý định tự tử chưa và nguyên nhân là gì? Em Bùi Thế Hùng, sinh viên năm thứ nhất, Học viện Báo chí Tuyên truyền, nói: “Trước đây, em đã từng có ý định tự tử, nhiều lắm. Nguyên nhân thì chả có gì to tát cả, mẹ mắng, bạn thân cạch không chơi cùng, vì được điểm 9 chứ không phải 10. Em đã từng nghĩ, không ai cần mình và mình làm thế sẽ khiến những người làm mình thất vọng phải dằn vặt cả đời. Giờ nghĩ lại, em thấy buồn cười và thấy mình may mắn vì vẫn còn trên thế gian này”.
Tuy vậy, cũng không thể đổ lỗi tất cả cho các em. Gia đình, nhà trường và xã hội có hay không trách nhiệm trong việc đẩy các em vào sự yếu kém tự chủ, mất khả năng kiểm soát dẫn đến tự vẫn? A.E.Litrco - một chuyên gia tâm thần học nổi tiếng của Liên bang Nga về lứa tuổi thanh niên - nhận định rằng: Lứa tuổi từ 14 đến 18 là lứa tuổi khủng hoảng đối với tâm thần học. Ở lứa tuổi này, các biểu hiện rối loạn nhân cách tăng lên rõ rệt và trong phần lớn các trường hợp, chúng có nguồn gốc sâu xa trong các quan hệ cha mẹ - con cái, quan hệ thầy - trò không thuận lợi. Nếu cha mẹ, thầy cô thực sự quan tâm đến con em mình, thì liệu các em có tìm đến cái chết? Cuộc sống hiện đại diễn ra sôi nổi, con người có vô vàn những mối quan hệ, những quan tâm. Người làm chủ gia đình cũng vậy, luôn phải cố gắng để lo lắng, đảm bảo cho cuộc sống gia đình nên ít thời gian chăm lo, quan tâm đến con cái đúng mực. Người ta nghĩ chỉ cần cung cấp đầy đủ tiền, cho con đi học ở những trung tâm đắt tiền với những người thầy giỏi là đủ. Những đứa trẻ trong gia đình kiểu này thường phát triển theo 2 chiều hướng: Hoặc đua đòi bạn bè, ăn chơi lêu lổng, sao nhãng học tập hoặc nếu ngoan ngoãn, học tập giỏi giang thì lại dễ xúc động và khó kiểm soát cảm xúc bản thân. Mặt khác, yêu cầu cao về thành tích học tập, thi cử cũng gia tăng áp lực với các em học sinh, làm cho các em lâm vào khủng hoảng khi không đạt được mục tiêu.
Đối với nhà trường, thành tích thi đua chính là áp lực nặng nề lên giáo viên và cả học sinh. Mặt khác, tác động tiêu cực của kinh tế thị trường cũng khiến cho các giáo viên có những ứng xử không phù hợp với các em học sinh. Đó cũng là một tác nhân gây ra những hệ lụy không tốt cho các em. Nhiều thầy cô giáo đã dùng cái “quyền” của mình để phạt hoặc mạt sát nặng lời khi học sinh mắc lỗi, mà không chịu tìm hiểu gốc rễ để giúp các em tháo gỡ vướng mắc. Vào Google và gõ “thầy cô đánh học trò” hoặc “thầy cô mạt sát học sinh”, chúng ta có thể tìm được vô số kết quả ở Việt Nam và trên thế giới. Những chuyện tưởng như từ thời “thất thập cổ lai hy” ấy lại hiện hữu ngay trong xã hội văn minh mà chúng ta đang sống. Hệ quả của kiểu giáo dục hà khắc này là học sinh buông xuôi, coi thường thầy cô, đẩy mâu thuẫn lên cao và khoảng cách ngày càng xa. Bên cạnh đó, nhà trường thường chú trọng đến giáo dục kiến thức hơn là định hướng tâm lý. Thầy cô chưa chú trọng vai trò của một nhà tư vấn tâm lý, mặc dù trong trường sư phạm “Tâm lý học lứa tuổi” là môn học bắt buộc. Rõ ràng gia đình, nhà trường cũng cần nhận trách nhiệm trong nhận thức, trong hành động thiếu suy nghĩ của con em mình.
Cần làm gì để giảm thiểu việc tự tử ở lứa tuổi học sinh? Có lẽ khó có thể xác định được giải pháp cụ thể cho vấn đề này bởi không đơn giản là việc đo đếm số lượng. Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, tự tử là một quá trình gồm 3 giai đoạn: Ý định tự tử, chuẩn bị tự tử và tiến hành tự tử; để hạn chế hiện tượng này thì biện pháp tốt nhất là không để ý định tự tử xuất hiện. Do đó, việc giáo dục tình yêu cuộc sống, ý thức bảo vệ bản thân, quý trọng giá trị bản thân và cả lòng bao dung cho các em là vô cùng cần thiết. Công việc này phải thông qua chính các môn học trong nhà trường và trở thành nhiệm vụ bắt buộc đối với một số môn khoa học xã hội nhân văn. Cần cho trẻ thấy rằng, cuộc sống vô cùng tươi đẹp và cha mẹ, thầy cô, xã hội rất cần có những công dân khoẻ mạnh cả về thể chất và tâm hồn cho tương lai. Phương pháp giáo dục cũng không nên áp đặt, giáo điều mà phải thông qua các hoạt động thực tế.
Gia đình và nhà trường nên có mối liên hệ chặt chẽ hơn, không chỉ trong việc học tập kiến thức mà còn cả ở định hướng tâm lý cho con em mình. Chúng ta không nên để trẻ chỉ thấy mặt tiêu cực của xã hội, coi đó như hiện tượng phổ biến. Điều này dễ làm trẻ mất lòng tin và không thấy được giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Thầy cô, cha mẹ cũng cần cố gắng để trở thành những người bạn tâm tình của trẻ, hiểu được tâm tư tình cảm của các em để có sự định hướng, giáo dục, động viên phù hợp. Cha mẹ, thầy cô phải trở thành tấm gương sáng về tình yêu cuộc sống, trân trọng giá trị bản thân.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách phù hợp để ngày càng có nhiều hoạt động hỗ trợ tâm lý, giúp trẻ vượt qua các giai đoạn khủng hoảng. Hoạt động ngoại khoá cũng cần được tăng cường để gia tăng thời gian thư giãn, tìm hiểu cuộc sống. Giảm tải chương trình - giảm tải áp lực cho các em cũng là một việc quan trọng cần làm.../.