Dạy nghề liên thông: Cần kiểm soát chặt chẽ

08:26, 16/10/2012

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố danh sách 16 trường được cấp phép đào tạo liên thông từ trung cấp nghề (TC), cao đẳng (CĐ) nghề lên CĐ chính quy, và từ CĐ nghề lên ĐH chính quy, nhiều thí sinh hoang mang nhận ra trường mình theo học để được đào tạo liên thông không nằm trong danh sách này.

Mập mờ liên thông

 

Theo một Thông tư liên tịch về đào tạo liên thông đã được Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ,TB&XH ký kết cách đây hai năm, những người đã có bằng tốt nghiệp TC nghề và CĐ nghề cùng ngành nghề đào tạo được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ CĐ và ĐH theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT. Hiện chỉ có 16 trường được cấp phép đào tạo theo hình thức này, song đã có không ít trường không thuộc danh sách trên đưa ra những thông báo tuyển sinh khiến người học lầm tưởng nếu theo học, sẽ được nhà trường đào tạo liên thông và cấp bằng. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT khẳng định, những trường có nhu cầu đào tạo liên thông hình thức này phải lập đề án trình Bộ xem xét, thẩm định và cấp phép, bởi hình thức tuyển sinh, chương trình học của các hệ có nhiều nội dung khác nhau.

 

Một trong số các trường vội vã đào tạo khi chưa có phép là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Từ tháng 2-2012, trường đưa lên trang web thông báo tuyển sinh hệ nghề với thông tin người học hệ nghề được dự thi liên thông lên ĐH chính quy và sẽ được nhận bằng ĐH chính quy do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cấp. Trường CĐ Công nghệ Viettronics, dù không có trong danh sách các trường được Bộ GD-ĐT cấp phép vẫn thông báo đã liên kết với các trường ĐH, học viện cả nước tuyển sinh đào tạo các hệ liên thông CĐ lên ĐH cho sinh viên tốt nghiệp CĐ nghề, TC chuyên nghiệp. Thu hút được nhiều người học hơn là Trường ĐH Điện lực Hà Nội. Từ vài tháng nay, trường này vẫn thông báo tuyển sinh liên thông đào tạo CĐ nghề lên ĐH để lấy bằng ĐH chính quy cho tới khi Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ kiên quyết xử phạt các trường vi phạm trong việc đào tạo liên thông. Cuối tháng 8-2012, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh dừng đào tạo không phép từ hệ CĐ nghề lên ĐH. Nhưng tới lúc đó thì đã có hàng nghìn sinh viên nhập học theo hình thức này.

 

Có cấp phép cho cơ sở vi phạm?

 

Mới đây Bộ GD-ĐT cho biết đã lên kế hoạch kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường thực hiện sai quy định trong đào tạo liên thông từ TC nghề, CĐ nghề lên CĐ, ĐH chính quy. Hầu hết các trường đều đã rút lại các thông báo tuyển sinh có nội dung sai phạm hoặc mập mờ gây hiểu lầm. Ngày 5-10, trên thông tin tuyển sinh ở trang web trường, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã gỡ bỏ nội dung thí sinh học hệ CĐ nghề của trường được liên thông lên ĐH do chính Học viện cấp bằng. Giám đốc Lê Hữu Lập cho biết: Phải ít nhất hai năm nữa, Học viện mới hoàn thành đề án trình lên Bộ GD-ĐT xin phép đào tạo hình thức liên thông từ CĐ nghề. Theo đề án đó, để được liên thông, sinh viên phải đạt một số tiêu chuẩn như có học lực giỏi, hoàn thành chương trình bổ sung kiến thức… Đề cập tới những đối tượng đã nhập học theo thông báo cũ, ông Lập khẳng định các em đã được nhà trường tư vấn đầy đủ thông tin cần thiết. Những em nào có thắc mắc có thể liên hệ trực tiếp Giám đốc Học viện. Giám đốc Lê Hữu Lập có thể đưa ra những khẳng định chắc chắn như vậy một phần bởi số sinh viên đã nhập học theo chương trình khá ít, chỉ hơn chục em. Tuy nhiên, liệu tác động xã hội sẽ ở mức nào khi sự sai phạm làm ảnh hưởng quyền lợi của hàng ngàn người đang theo học ở các cơ sở khác?

 

Cũng rút lại thông báo tuyển sinh mập mờ, song nhiều trường vẫn đưa ra thông tin: Trường đã hoàn thành hồ sơ trình Bộ duyệt đề án đào tạo liên thông và việc được phép đào tạo chỉ là vấn đề thời gian. Lý lẽ này cũng được các trường đưa ra để trấn an những sinh viên đã trót nhập học. Tuy nhiên, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Với những trường đã vi phạm lại vừa nộp hồ sơ xin duyệt chương trình liên thông, Bộ đã yêu cầu giải trình cụ thể, xem xét kỹ mức độ sai phạm, sau đó mới tính tới chuyện xét duyệt hồ sơ. Các trường chưa được phép đã và đang triển khai liên thông từ CĐ nghề lên ĐH chính quy nếu có trình hồ sơ xin phép thì chắc chắn sẽ không được duyệt ngay. Ông Tuấn cũng lưu ý, Bộ đã có công văn chấn chỉnh hoạt động đào tạo liên thông từ CĐ nghề lên ĐH và cung cấp thông tin để người học cùng tham gia giám sát các chương trình đào tạo này. Vì vậy, chính người học cũng cần có trách nhiệm tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định tham gia một chương trình.

 

Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra là, liệu người học có căn cứ để giám sát và tìm hiểu đầy đủ các thông tin hay không khi chính Bộ GD-ĐT cũng chưa thể kiểm soát việc các trường thực hiện kiểm định giáo dục, công bố chuẩn đầu ra - vốn là điều kiện để thực hiện liên thông?