Giảm gánh nặng cho học sinh

10:07, 04/10/2012

Một trong những điểm mới đối với cấp tiểu học trong năm học mới này là trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới do Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD & ĐT) vừa ban hành đã quy định rõ bộ sách tối thiểu dành cho học sinh tiểu học. Giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng sách, vở hàng ngày để học sinh (HS) không phải mang theo nhiều sách, vở khi tới trường, giảm gánh nặng trên vai HS. Bộ cũng khuyến khích các trường ở những nơi có điều kiện thì tổ chức cho HS để sách, vở, đồ dùng học tập tại lớp. Vậy thực tế trên địa bàn tỉnh việc thực hiện chủ trương này như thế nào.

Theo quy định của Bộ GD & ĐT, đối với HS lớp 1, 2, 3, cần có 6 quyển sách, gồm: Tiếng Việt (2 quyển, tập 1 và tập 2), vở tập viết (2 quyển: tập 1, tập 2), Toán, Tự nhiên và Xã hội; HS lớp 4 và lớp 5 cần có 9 quyển: Tiếng Việt (2 quyển, tập 1 và tập 2), Toán, Đạo đức, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Kỹ thuật.

 

Thực tế tại một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh chúng tôi nhận thấy các quy định trên được thực hiện rất nghiêm túc. Có mặt tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (T.P Thái Nguyên) khi HS tan học buổi chiều. Nhìn HS các khối lớp 1,2,3 trên tay chỉ cầm một chiếc cặp rất nhỏ bên trong đựng cuốn vở viết và mấy cây bút.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan, chủ nhiệm lớp 1D hồ hởi nói với chúng tôi: “Tuần đầu tiên các em để sách giáo khoa, đồ dùng học tập tại lớp bản thân tôi và nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng. Song qua kiểm tra, chất lượng học tập của các em không hề sa sút. Trái lại tâm lý của HS rất tốt, phụ huynh cũng thoải mái hơn. Giờ không có tình trạng HS đến lớp quên sách hoặc soạn nhầm sách vở, bị thất lạc đồ dùng học tập. Sách vở không bị quăn mép, nhàu nát. Phụ huynh muốn kiểm tra lại việc học tập của con em mình chỉ cần xem vở là biết điểm, bài học hôm nay và ngày mai học môn gì để có thể hướng dẫn các em. Phụ huynh cũng không nhất thiết phải dạy con học vì học bán trú 2 buổi/ngày. Buổi sáng chúng tôi dạy các kiến thức cơ bản, buổi chiều tổ chức cho các em ôn tập và làm bài tập tại lớp rồi”.

 

Trao đổi với cô giáo Cao Thị Hằng, Hiệu trưởng Nhà trường chúng tôi được biết: Năm học này, Trường có 31 lớp, 1.302 HS, trong đó có 6 lớp 1. Khi triển khai nhiệm vụ năm học mới, lãnh đạo Nhà trường đã tổ chức rà soát toàn bộ các trang thiết bị, đồ dùng dạy học để bổ sung đối với những trang thiết bị còn thiếu. Về quy định bộ sách tối thiểu dành cho HS, Nhà trường đã phổ biến cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh HS thực hiện nghiêm túc. Ngoài số sách theo quy định, Trường chỉ yêu cầu mỗi HS có thêm 1 quyển luyện viết chữ đẹp. Đối với lớp 3, 4, 5 học môn tự chọn tiếng Anh, Tin học có thêm sách về các bộ môn này.

 

Với chủ trương khuyến khích các trường có điều kiện cho HS để sách, đồ dùng tại lớp chị Hằng bày tỏ: “Tôi rất tâm đắc chủ trương này. Vì làm như vậy sẽ giảm gánh nặng cho HS, áp lực cho cả phụ huynh. Do điều kiện cơ sở vật chất Nhà trường còn thiếu nên chúng tôi cũng chỉ tổ chức được cho 3 khối lớp 1,2,3 để sách, đồ dùng học tập tại lớp, còn khối 3,4 học chung phòng học (sáng, chiều) thì phải mang đồ dùng về nhà. Để bảo quản sách, đồ dùng cho các em, ngay khi kết thúc buổi học, bảo vệ khóa cửa lại. Các cô lao công được giao nhiệm vụ vệ sinh lớp nào thì mới có chìa khóa của lớp đó. Nhà trường cũng trang bị các phương tiện để phòng ngừa cháy nổ xảy ra”.

 

Còn tại Trường Tiểu học Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) nơi tổ chức học bán trú cho tất cả các khối lớp. Trao đổi cùng chúng tôi cô giáo Phạm Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Năm học này toàn trường có 885 HS, thì trên 92% HS học bán trú từ thứ 2 đến thứ 5. Như vậy, HS được học 9 buổi/tuần. Nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên hướng dẫn HS sử dụng sách hàng ngày, để HS không phải mang nhiều sách, vở tới trường.

 

Được biết, Khối 1 có 5 lớp 1 thì có 3 lớp giáo viên và phụ huynh thống nhất cho HS để sách, đồ dùng tại lớp, cuối tuần mới mang sách về nhà cho bố mẹ kiểm tra. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng An, Chủ nhiệm lớp 1B cho hay: “với thời lượng học 7 tiết/ngày chúng tôi đã hướng dẫn HS hoàn thành nội dung học tập trên lớp, sử dụng có hiệu quả các tài liệu bổ trợ, không giao bài tập về nhà cho HS. Qua thông tin với các bậc phụ huynh chúng tôi nhận thấy HS về nhà không cần học cũng được. Tuy nhiên, để rèn cho các em nề nếp trong học tập thì nhiều phụ huynh yêu cầu con mình buổi tối học lại bài cũ khoảng 30 phút”.

 

Trò chuyện với em Trần Xuân Diệp, HS lớp 1B cùng nhiều HS khác chúng tôi thấy các em rất vui khi đi học về không phải “cõng” sách vở trên vai như trước. Diệp khoe: “Giờ tới lớp em không lo đã mang đủ sách chưa, có quên quyển nào không? Tối về nhà bố mẹ em cũng không bắt em học nhiều vì bài tập các môn đều hoàn thành ở lớp rồi. Bố mẹ em chỉ yêu cầu em xem lại vở về bài học hôm nay và đọc trước bài học ngày mai rồi nghỉ ngơi”.

 

Trao đổi với chúng tôi, chị Đoàn Duy Minh, mẹ cháu Nguyễn Thiên Bảo Anh, học lớp 1B, Trường Tiểu học Chiến Thắng (Đồng Hỷ) vui vẻ cho biết: “Tôi rất đồng tình với Bộ GD & ĐT trong việc quy định rõ bộ sách tối thiểu cho HS tiểu học. Như vậy tránh tình trạng các nhà trường “ép” phụ huynh HS mua nhiều sách tham khảo để hưởng hoa hồng từ việc bán sách. Việc Nhà trường cho các cháu để sách, đồ dùng tại lớp chúng tôi rất ủng hộ. Vì học bán trú các cháu đã hoàn thành bài tập tại lớp rồi. Về nhà buổi tối tôi chỉ cho cháu duy trì ôn bài khoảng 30 phút cho cháu có thói quen và tạo nề nếp học tập sau này mà thôi”.


Thực tế tại một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh chúng tôi nhận thấy, việc quy định bộ sách tối thiểu cho HS tiểu học, cũng như khuyến khích những trường có điều kiện thì tổ chức cho HS để sách, vở, đồ dùng học tập tại lớp đã được thực hiện khá nghiêm túc. Chủ trương này góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên trong giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS trong học tập.