Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vẫn chỉ là hoạt động lồng ghép

10:23, 17/10/2012

Thời gian gần đây tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng, tình trạng HS không hứng thú trong học tập, sống thiếu trách nhiệm với bản thân mình, gia đình và xã hội, không có khả năng ứng phó với các căng thẳng, không biết giải quyết xung đột… thì tương đối phổ biến. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau thì nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu kỹ năng sống (KNS)…

Một ví dụ rất nhỏ là khi tham gia giao thông, có thể dễ dàng nhận thấy không ít HS ngang nhiên vượt đèn đỏ. Mặc dù các nhà trường đã quy định, nhưng một số HS vẫn đi xe máy tới trường. Bên cạnh đó là tình trạng HS cư xử với bạn bè, thầy cô, gia đình không đúng mực. Thực tế tại một số cơ sở giáo dục, chúng tôi nhận thấy mặc dù các trường đã có nhiều giải pháp để lồng ghép các hoạt động nhằm giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) cho HS, song vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài, Bí thư Đoàn, Trường THPT Đồng Hỷ cho biết: Ngoài môn học Giáo dục công dân, Nhà trường đã lồng ghép nhiều nội dung tổ chức các hoạt động tập thể nhằm GDKNS cho HS. Cụ thể trong giờ chào cờ đầu tuần bên cạnh nhận xét việc chấp hành các quy định của Trường đối với các lớp, giáo viên chủ nhiệm lớp trực tuần, hoặc BCH Đoàn trường đều trao đổi về cách đối nhân xử thế giữa trò - trò, trò với thầy, trò với gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, Đoàn trường còn tổ chức nhiều cuộc thi như “Đoàn viên tài năng thanh lịch”, “khi tôi 18”… đưa ra các tình huống cho HS nói lên suy nghĩ của mình. Cùng với đó là duy trì các CLB học tập, tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, gây quỹ ủng hộ bạn nghèo, tuyên truyền về Luật giao thông đường bộ… qua đó khơi dậy ý thức trách nhiệm của HS đối với bạn bè, thầy cô, gia đình, xã hội, tự tích lũy vốn sống để biết cách ứng xử, xử lý các tình huống trong cuộc sống.

 

Được biết, đầu năm học này, Nhà trường đã phải xử lý kỷ luật trên 10 HS chỉ vì cho rằng bạn “nhìn đểu” mình mà dẫn tới đánh nhau. Mới đây, qua các nguồn tin, Đoàn trường cũng can thiệp sớm được 1 vụ 2 cô gái cùng yêu 1 cậu, đang dọa đánh nhau. Còn tình trạng HS đi xe máy đến trường vẫn chưa xử lý được triệt để.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Hoàn có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm của Trường THPT Đồng Hỷ tâm sự: “GDKNS trong các nhà trường rất quan trọng. KNS của các em thể hiện rõ nhất hiện nay là trong vấn đề giao tiếp và suy nghĩ nhìn nhận vấn đề. Đơn cử như ngày xưa gặp thầy giáo, cô giáo thì HS thường đứng nghiêm chào. Nhưng giờ HS chỉ nói cụt lủn “cô ạ”, có học trò còn không thèm chào. Hoặc nhiều em có xu hướng ăn mặc không phù hợp với lứa tuổi. Không tập trung vào việc học mà chỉ chú trọng đến hình thức từ quần áo, đầu tóc, cách trang điểm. Trước kia chúng tôi ngưỡng mộ biết bao khi thấy những bạn học giỏi thì giờ các em lại thần tượng về một HS xinh đẹp, ăn mặc nổi bật hơn người. Chưa kể một số HS còn có biểu hiện sống vô cảm. Điều đó thể hiện ở việc cha mẹ làm nông nghiệp vất vả dành dụm từng đồng cho con đi học với mong muốn các em sẽ có tấm bằng để sau này xin được việc làm, nhanh thoát nghèo, nhưng một số em đã nói dối cha mẹ xin tiền đi học thêm để “nướng” vào các quán điện tử.

 

Trao đổi với em Nguyễn Thị Tam Sa, lớp trưởng lớp 12A13, em không ngần ngại cho biết: trong học tập, có những bạn chỉ chăm chăm học những môn thuộc khối thi đại học. Còn các môn học khác các bạn không quan tâm dù là điểm thấp. Trong lớp cũng có một số bạn yêu sớm vì thế việc học tập có phần chểnh mảng.

 

Thực tế cho thấy việc GDKNS hiện nay ở các trường vẫn chủ yếu là hoạt động lồng ghép thông qua hoạt động ngoài giờ. Ưu tiên hàng đầu của các trường vẫn là học văn hóa, là kết quả thi cuối cấp, vì nó liên quan đến thành tích chứ chưa phải là HS có nhiều KNS hay không. Tuy không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường, nhưng dư luận luôn cho rằng nhà trường có trách nhiệm lớn trong việc GDKNS cho HS. Giáo dục thế hệ trẻ không chỉ chú trọng “dạy chữ” mà còn phải quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ “dạy người”. Con người không chỉ có tri thức mà còn phải biết sống đúng, sống đẹp, sống có ích.

Ngày 22-7-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị số 40 về việc phát động phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó có nội dung: Rèn luyện kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm. Rèn luyện sức khỏe và ý thức bảo vệ sức khỏe, kỹ năng phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác. Rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội.